Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

09:42, 13/10/2015
Thực hiện mục tiêu xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, trong những năm qua, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố luôn được chú trọng. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, việc mở rộng thu hút các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là một trong những giải pháp trọng yếu.
Ngã Sáu Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột.
Ngã Sáu Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột.

Thời gian qua, mỗi năm TP. Buôn Ma Thuột đã cân đối từ nguồn ngân sách khoảng 200 đến 250 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng cơ sở.  Trong 5 năm (2011-2015), tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 31 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với giai đoạn 2005 - 2010. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đạt trên 5 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 16%;  vốn ngoài ngân sách đạt trên 26 nghìn tỷ đồng, chiếm 84%. Kết quả là đến nay 100% các trục đường giao thông liên thôn và các trục giao thông chính trong các thôn, buôn đã được nhựa hóa; 75% các đường hẻm khu vực nội thành được nhựa hóa, bê tông hóa; cứng hóa 100% các tuyến đường trục chính thôn, buôn trong khu dân cư tập trung; bảo đảm tưới tiêu chủ động cho 76% diện tích cây trồng; tỷ lệ trường học được kiên cố hóa đạt 88,4%, tỷ lệ trường học đạt Chuẩn quốc gia đạt 61,2% ; 90% hộ gia đình khu vực nội thành và 22,8% hộ gia đình khu vực ngoại thành được sử dụng nước sạch… Theo Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột Y Thanh Hà Niê Kdăm, việc thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách vào địa bàn thành phố đạt kết quả khả quan, trước hết phải nói đến các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư, cũng như công tác quy hoạch sớm được triển khai thực hiện và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, từ đó sớm có mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư. Cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể từ thành phố đến phường, xã đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc thực hiện các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn thành phố. Một yếu tố quyết định khác là trong quá trình tổ chức thực hiện thành phố đã làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và xử lý, tháo gỡ các vướng mắc kịp thời trên cơ sở phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành của thành phố với các phường, xã. Đối với những công trình có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của nhân dân, thành phố đã vận động, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, trong đó vai trò tham gia của các đoàn thể là hết sức quan trọng. Kết quả đến từ sự đồng thuận của nhân dân thể hiện rõ nét nhất trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính trong 3 năm gần đây, huy động từ các nguồn vốn đã đạt trên 335 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn. Nhà nước và nhân dân đã đầu tư xây dựng được 31,1 km đường thôn xóm; 57,8 km đường ngõ xóm; 20,5 km đường nội đồng phục vụ giao thông nông thôn; 13,6 km kênh mương được kiên cố hóa; 50 phòng của các trường học và hạ tầng kỹ thuật của các trường học và 25/25 hội trường thôn, buôn...

Ông Y Thanh Hà Niê Kdăm cho biết, hiện nay thành phố đang tích cực quảng bá, mời gọi các nhà đầu tư đến với địa phương để đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, nhất là các dự án mang tầm vóc của một trung tâm vùng như thương mại - du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ… Đáng chú ý, UBND thành phố và các sở, ngành của tỉnh hiện đã đăng ký danh mục kêu gọi đầu tư vào địa bàn thành phố với 47 dự án, tổng vốn đầu tư trên 21 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 2 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn; 7 dự án thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ; 20 dự án thuộc lĩnh vực xây dựng hạ tầng và nhà ở xã hội; 14 dự án thuộc lĩnh vực Văn hóa, thể thao và du lịch; 3 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và 2 dự án hạ tầng khu công nghiệp. Đây là động lực để tạo sức hút về đầu tư phát triển mọi mặt và là nền tảng để xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc