Multimedia Đọc Báo in

Chi phí của lòng tin!

08:54, 02/12/2015
Nhiều người tiêu dùng (NTD) hiện nay sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng để mua hộp mỹ phẩm ngoại, dù chỉ là hàng xách tay, trong khi mỹ phẩm của Việt Nam đâu có thiếu hàng chất lượng như của Việt Hương, Lana, Thorakao chỉ vài trăm ngàn… Tương tự, dù kinh tế khó khăn nhưng không ít bà mẹ trẻ vẫn cố cho con mình dùng sữa ngoại trong khi đó, với chất lượng không thua kém, sữa nội giá chỉ bằng 1/3.

Rõ ràng, điều này cho thấy, sự tín nhiệm của NTD với hàng trong nước là chưa cao, nguyên nhân một phần do họ thiếu thông tin về hàng Việt, nhất là hàng Việt Nam chất lượng cao. Chị Nguyễn Phương Nga, phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, thật tình, mỗi lần đi mua sữa cho con, chị chẳng biết nên chọn loại nào, khả năng nhận biết và  điều kiện tiếp cận với sữa Việt còn hạn chế khiến chị không đủ tự tin nên thường mua các hãng sữa ngoại cho con dùng.

Trên thực tế, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Hàng Việt vẫn không giảm sức hút với NTD, tuy nhiên, vẫn còn bộ phận không nhỏ NTD thiếu thông tin về hàng Việt cũng như các doanh nghiệp (DN) Việt uy tín, sản xuất ra những sản phẩm vượt ra khỏi tầm cỡ quốc gia, đi sâu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU…  Không nói ở đâu xa, tại Đắk Lắk, không thiếu các DN tên tuổi như cơ khí có bơm chìm Dafovina, Viết Hiền; thực phẩm có Thành Phát, Trung Nguyên... tuy nhiên, không phải ai cũng biết để chọn mua khi cần! Chính vì thiếu thông tin nên họ phải chấp nhận bỏ ra số tiền gấp 2, 3 lần so với hàng nội để mua hàng ngoại, với niềm tin “hàng ngoại mới tốt” và tỏ ra nghi ngờ về chất lượng của hàng nội. Cũng có trường hợp, việc tiếp cận thông tin vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở thị trường nông thôn trong tỉnh-nơi mà hàng giả, nhái, kém chất lượng đang được bày bán phổ biến do NTD thiếu hiểu biết và thông tin về sản phẩm - nên khi cần tư vấn về giá cả, cách thức sử dụng, lựa chọn sản phẩm… phần lớn họ đều tìm đến với kênh không chính thống là truyền miệng. Điều này cũng có hệ lụy là khi sự tiếp cận thông tin còn mù mờ, chưa đầy đủ cũng khiến NTD khó nhận biết và hoang mang.

Do đó, thiết nghĩ, đâu chỉ là việc vận động, kích thích tiêu dùng hàng Việt mà hoạt động quảng bá cũng cần được đề cao để tạo cho NTD niềm tin và an tâm về hàng Việt. Ngoài việc đầu tư nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, DN cần tổ chức nhiều kênh thông tin đến NTD cũng như chăm chút cho các chế độ hậu mãi, hoạt động hướng dẫn, tư vấn cho người mua. Tương tự, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, được coi là hoạt động ý nghĩa, giúp các DN Việt tiếp cận sâu hơn với NTD vùng nông thôn và góp phần kích cầu tiêu dùng hàng Việt. Song, đừng quá coi trọng việc bán hàng mà xem nhẹ vấn đề xây dựng niềm tin hàng Việt thông qua các hoạt động thông tin, giới thiệu để khách hàng được hiểu và tin tưởng hơn về hàng nội. Bởi, chỉ khi NTD đặt hoàn toàn đặt niềm tin thì khi đó, hàng Việt mới có chỗ đứng vững  chắc trong lòng NTD Việt.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc