Đột phá trong xây dựng nông thôn mới ở Hòa An
Nhờ phát huy tốt nội lực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, tới nay xã Hòa An (huyện Krông Pắc) cơ bản đã đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM).
Đưa chúng tôi đi tham quan các tuyến đường nội thôn vừa mới được bê tông hóa kiên cố, sạch đẹp, nhà ở nhân dân được xây mới khang trang, ông Nguyễn Xuân Hải, Chủ tịch UBND xã Hòa An phấn khởi cho biết: “Nhờ có chương trình xây dựng NTM nên diện mạo địa phương ngày càng khởi sắc. Có đường, có điện nên người dân cũng mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, thi đua làm giàu”…
Nhiều tuyến đường nội thôn, buôn ở xã Hòa An được bê tông hóa nhờ sự đóng góp của nhân dân. |
Có thể nói, nổi bật trong phong trào xây dựng NTM ở Hòa An là việc thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn (GTNT). Trước năm 2011, trục đường xã, liên xã chỉ mới cứng hóa được 23,11%; đường trục thôn, buôn chỉ mới cứng hóa được hơn 24%; đường ngõ xóm chỉ cứng hóa được trên 2%; các tuyến đường trục chính nội đồng chủ yếu là đường đất pha sỏi, gồ ghề, lầy lội vào mùa mưa, việc đi lại, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa nông sản rất khó khăn. Năm 2012, UBND xã đã giao kế hoạch cho các thôn, buôn tổ chức họp dân vận động đóng góp làm đường GTNT. Với hình thức UBND xã hỗ trợ 100% chi phí ca máy và hỗ trợ một phần kinh phí, đến cuối năm 2012 toàn xã có 5 thôn thi công hoàn thành 100% đường GTNT không lầy lội vào mùa mưa, mặt đường được rải đá mạt, lu lèn bảo đảm kỹ thuật. Từ những kết quả ban đầu đó, xã tiếp tục vận động nhân dân mở rộng và nâng cấp đường giao thông ở các thôn còn lại. Đến hết quý 2 năm 2014, 100% tuyến đường GTNT trên địa bàn xã cơ bản đã được cứng hóa, không còn đường lầy lội vào mùa mưa.
Ông Hải cho biết thêm, năm 2015, Huyện ủy, UBND huyện Krông Pắc có chủ trương hỗ trợ 100% vật liệu xây dựng để làm đường GTNT, trong đó nhân dân đóng góp một phần kinh phí và ngày công lao động. UBND xã đã tổ chức họp dân, vận động các thôn, buôn đăng ký và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Tính đến nay, nhân dân xã Hòa An đã chủ động phá dỡ 1,4 km tường rào kiên cố, hiến trên 6.000 m2 đất và nhiều tài sản trên đất với giá trị trên 7 tỷ đồng, trong đó nhân dân góp tiền mặt khoảng trên 4 tỷ đồng và hơn 3.000 ngày công lao động. Ngoài ra người dân cũng đã góp tiền để thi công hơn 20 km hệ thống điện chiếu sáng tại hầu hết các tuyến đường. Sau 4 năm triển khai thực hiện, về cơ bản hệ thống giao thông trên địa bàn đã bảo đảm việc đi lại của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa nông sản.
Đối với một số tiêu chí khó đạt, xã cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ và nhân dân thực hiện có hiệu quả. Cụ thể: Về tiêu chí thủy lợi, năm 2013 Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Tập trung phối hợp với các cấp, các ngành giải quyết các vướng mắc và vận động nhân dân nhận tiền đền bù thu hồi đất, sớm bàn giao mặt bằng để thi công và hoàn thiện hệ thống kênh mương Krông Búk hạ trên địa bàn xã”. Các hộ gia đình bị ảnh hưởng do thi công công trình kênh Krông Búk hạ đã được vận động nhận tiền đền bù và giao đất, bảo đảm công trình được triển khai thi công sớm góp phần nâng cao tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn. Đối với kênh mương do địa phương quản lý, UBND xã đã vận động các nguồn hỗ trợ cùng sự đóng góp của nhân dân để kiên cố hóa. Cùng với đó, xã cũng đã tập trung cải tạo, nạo vét lòng hồ tăng dung tích chứa nước bảo đảm đủ nước phục vụ tưới, trong đó tập trung nâng cao năng lực tưới nước của hồ chứa nước Bà Tỵ để phục vụ tưới cho 20 ha lúa tại cánh đồng thôn Bằng Lăng, thôn 7 từ 1 vụ thành 2 vụ.
Với tiêu chí môi trường, năm 2014, HĐND xã đã ban hành Nghị quyết vận động nhân dân đóng 250.000 đồng/hộ để xây dựng bãi chôn lấp rác thải. Tới nay, đã có nhiều thôn, buôn tiến hành xây dựng và đưa vào sử dụng, vệ sinh môi trường tại địa bàn được bảo đảm. Để nâng cao năng lực sản xuất, giảm chi phí, tăng thu nhập cho nhân dân, xã đã giao cho HTX Thăng Tiến hợp đồng liên kết dịch vụ đầu vào với Điện lực Krông Pắc xây dựng hệ thống đường dây trung áp hơn 1,5 km, đường hạ áp 1,5 km với công suất tưới khoảng 200 ha tại các thôn 7, thôn Thăng Tiến 1, Thăng Tiến 3. Bước đầu hệ thống điện này đã phục vụ tưới được khoảng 90 ha, góp phần giảm từ 50-70% chi phí sản xuất nông nghiệp của nhân dân…
Hệ thống giao thông được đầu tư mở rộng, kênh mương thủy lợi được xây dựng kiên cố, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được thực hiện hiệu quả,… nhờ vậy đời sống của nhân dân ngày càng được tăng lên. Tới nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã là trên 24,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 3,43% (giảm 3,55% so với cùng kỳ năm 2014). “Nhờ vận dụng sáng tạo các giải pháp, đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ, từ xuất phát điểm ban đầu chỉ 4/19 tiêu chí đến nay xã Hòa An cơ bản đã đạt 17/19 tiêu chí NTM. Với tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận của cán bộ và nhân dân, xã Hòa An phấn đấu sẽ đạt chuẩn xã NTM vào năm 2016” - ông Nguyễn Xuân Hải khẳng định.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc