Huyện Cư M'gar chú trọng phát triển kinh tế hợp tác xã
Kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Cư M’gar thời gian qua đã có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều người dân.
Hiện trên địa bàn huyện có 21 HTX (15 HTX nông nghiệp, 3 HTX thương mại dịch vụ, 3 HTX điện), tăng 8 HTX so với năm 2011, số thành viên hiện nay là 620 người. Thực hiện Luật HTX 2012, đã có 8 HTX chuyển sang hoạt động theo mô hình mới như HTX nông nghiệp công bằng Ea Kiết, HTX nông nghiệp Quảng Tiến, HTX nông nghiệp Tân Phát, HTX nông nghiệp dịch vụ Toàn Thịnh, HTX An Bình, HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Cư Dliê Mnông, HTX nông nghiệp Thiên Phú và HTX nông nghiệp Thuận Phát). Trong đó, có nhiều HTX kinh doanh có lãi, thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước như HTX NNDV công bằng Ea Kiết (thu nhập bình quân của xã viên 4 triệu đồng/người/tháng), HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Cư Dliê Mnông (thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng), HTX nông nghiệp dịch vụ Việt Hùng (thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng, HTX nông nghiệp dịch vụ Cư M’gar (thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng), HTX nông nghiệp dịch vụ Toàn Thịnh (thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng).
Cán bộ Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột kiểm tra chất lượng cà phê có chứng nhận của HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Cư Dliê Mnông. |
Thành lập tháng 3-2011, đến nay HTX nông nghiệp, dịch vụ công bằng Ea Kiết có 97 thành viên tham gia chương trình cà phê bền vững FLO, với tổng diện tích 183 ha, tổng sản lượng hằng năm 722 tấn. Nhờ sử dụng giống cà phê chất lượng cao và đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên HTX luôn duy trì hoạt động hiệu quả, thu nhập bình quân của xã viên từ 25 – 30 triệu đồng/năm. Hằng năm, HTX cũng đã hỗ trợ phân bón, cây giống và cây che bóng chắn gió cho các thành viên trị giá hơn 1 tỷ đồng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê cũng như góp phần cải thiện môi trường. Nhờ đó, người dân đã có ý thức tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí cà phê bền vững có chứng nhận, áp dụng các giải pháp thực hành nông nghiệp tốt, chất lượng sản phẩm được nâng cao, môi trường được cải thiện. Trong khi đó, HTX nông nghiệp Quảng Tiến thành lập năm 2013 với 20 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cung ứng giống cây trồng, phân bón, thu mua nông sản và hỗ trợ kỹ thuật cho người dân. Ông Đỗ Thanh Định, Giám đốc HTX cho biết, hiện nay thu nhập của xã viên đạt 4-5 triệu đồng/người/tháng, đặc biệt, HTX cũng cung ứng hàng vạn cây giống cà phê chất lượng cao phục vụ cho chương trình tái canh cà phê của huyện.
Để có được những kết quả trên, trong thời gian qua, huyện Cư M’gar đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể từ huyện tới xã; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX, nâng cao năng lực quản lý, điều hành HTX; triển khai các chế độ chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX, đặc biệt là nhân lực HTX, trang thiết bị, khoa học kỹ thuật; đồng thời, hỗ trợ HTX tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và các chương trình mục tiêu quốc gia để tiêu thụ sản phẩm của HTX.... Bên cạnh đó, địa phương cũng nhìn nhận những tồn tại trong phát triển kinh tế tập thể là một số HTX còn trông chờ sự hỗ trợ phía Nhà nước; nhiều người dân chưa mặn mà tham gia vào kinh tế hợp tác; đội ngũ cán bộ quản lý của các HTX trình độ cao còn ít, một số HTX cơ sở vật chất nghèo nàn, quy mô nhỏ, chất lượng hoạt động chưa cao.
Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar đánh giá, các HTX trên địa bàn đã có đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Thời gian tới, huyện sẽ có những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao vai trò của kinh tế HTX theo hướng khuyến khích thành lập, tham gia các hiệp hội ngành nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, bảo vệ môi trường. Theo đó, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý đối với HTX, đặc biệt là HTX yếu kém; tiếp tục tuyên truyền luật HTX nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể trong nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố và nâng cao trình độ quản lý của các HTX kiểu mới hiện có, xây dựng mới các HTX, tổ hợp tác theo mô hình kinh doanh đa ngành đa nghề, vừa làm dịch vụ phục vụ hoạt động kinh tế xã viên, mở rộng các dịch vụ đa dạng trong nông nghiệp; đồng thời, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất và cung ứng giống cây trồng, tiêu thụ sản phẩm, chế biến nông sản.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc