Chuyển biến tích cực từ xây dựng nông thôn mới ở Ea Bhôk
Ông Y Blim Knul, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bhôk (Cư Kuin) cho biết, trong 5 năm qua, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân và kêu gọi các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn xã cùng chung sức với Nhà nước xây dựng, phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM). Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, diện mạo địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay xã Ea Bhôk đã cơ bản đạt 13/19 tiêu chí NTM…
Có mặt trong buổi làm đường của người dân thôn 9, xã Ea Bhôk một ngày đầu năm mới, chúng tôi được ông Trần Phùng Thảo (Trưởng thôn) cho hay, con đường liên thôn 3 và thôn 9 dài hơn 1 km, trước đây là đường đất “nắng bụi, mưa lầy”, rất bất tiện cho việc đi lại và giao thương của bà con. Vì vậy, ngay khi chính quyền địa phương phát động chương trình xây dựng NTM với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” thì bà con đồng tình ủng hộ ngay. Sau khi họp bàn, mỗi gia đình trong thôn đều tự nguyện đóng góp 3 triệu đồng tiền mặt, nhiều hộ còn hiến hàng trăm mét vuông đất, phá dỡ tường rào rồi tranh thủ nghỉ công việc đồng áng để tham gia làm đường... Không chỉ riêng thôn 9, mà hầu hết các thôn trong xã, người dân đều nêu cao tinh thần tự giác đóng góp công sức, tiền của để làm đường giao thông nông thôn, hoàn thành các tiêu chí NTM.
Tuyến đường thôn 9, xã Ea Bhôk (Cư Kuin) được bê tông hóa sạch đẹp. |
Là xã thuần nông, địa bàn canh tác rộng nên việc nạo vét, kiên cố kênh mương luôn được chính quyền xã chú trọng. Trên địa bàn xã Ea Bhôk hiện có 7 công trình hồ đập bảo đảm nước tưới cho khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp, trong đó đập buôn Ea Mtă và đập Ea Bih có diện tích mặt nước gần 100 ha phục vụ tưới nước cho hơn 800 ha diện tích cây trồng. Xã đã thành lập Tổ thủy nông bảo vệ và điều tiết nước hợp lý theo thời vụ, bảo đảm tưới chủ động trên 85% cây trồng các loại, giúp người dân yên tâm sản xuất. Đến nay, tỷ lệ kênh mương được nâng cấp và kiên cố hóa trên địa bàn xã đã đạt 48,6%. Trước tình trạng thiếu điện sinh hoạt, hệ thống điện lưới không bảo đảm an toàn ở một số thôn, buôn, chính quyền địa phương đã kịp thời đề xuất với Điện lực Cư Kuin tiến hành thi công 2 công trình điện tại thôn 3 và 4, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn lên 99,8%, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt và phục vụ sản xuất kinh doanh cho nhân dân. Là địa phương có đông dân tộc thiểu số sinh sống với phong tục, tập quán lạc hậu như nuôi, nhốt gia súc dưới sàn nhà, không có nhà vệ sinh, nhà tắm, vứt rác bừa bãi... chính quyền địa phương đã vận động nhân dân thực hiện chương trình xây dựng NTM, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Từ đó, người dân đã nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh nơi ở, nhiều gia đình đã đào hố chôn rác thải, khu chuồng trại gia súc được xây dựng riêng biệt. Đến nay, số gia đình đã xây dựng các công trình vệ sinh đạt chuẩn tại địa bàn là 3.208 hộ/3602 hộ, chiếm tỷ lệ 90,44%.
Một trong những nhiệm vụ luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền xã Ea Bhôk quan tâm, trăn trở chính là việc vận động nhân dân chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Thời gian qua, xã đã chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện, Hội Nông dân huyện… tổ chức nhiều lớp tập huấn; các buổi hội thảo đầu bờ, đầu chuồng; các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi đến với nông dân. Từ đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao chất lượng sản xuất. Đến nay thu nhập bình quân đầu người tại địa phương đạt 43,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,6%, 100% hộ dân không có nhà ở tạm bợ, dột nát. Trước đây, gia đình Y Mót Knul ở buôn Ea Khít có hơn 1 ha đất trồng lúa. Gia đình đông con, thu nhập từ ruộng lúa lại thấp nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Thấy dưa hấu là loại cây ăn quả dễ trồng, dễ chăm sóc và phù hợp ông Y Mót đã chuyển đổi vụ lúa đông xuân sang trồng dưa hấu. Bắt đầu trồng từ năm 2009, với năng suất 1,5-1,7 tấn/sào, gia đình ông Y Mót đã có thu nhập trên 50 triệu đồng/vụ. Từ một hộ nghèo trong xã, đến nay ông Y Mót đã xây dựng được một ngôi nhà khang trang, đời sống gia đình ngày càng khá giả.
Theo đánh giá của ông Y Blim, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chương trình xây dựng NTM tại địa phương hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Do kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên tình trạng sản xuất tự phát còn khá phổ biến dẫn đến hiệu quả sản xuất còn thấp. Việc thực hiện các tiêu chí văn hóa, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, chợ nông thôn… còn gặp nhiều khó khăn. Để hoàn thành chương trình NTM, xã Ea Bhôk rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, sự đồng thuân của toàn thể cán bộ, nhân dân để đưa chương trình xây dựng NTM tại xã về đích theo đúng lộ trình.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc