Tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế trang trại tại huyện M'Đrắk
Năm 2015, tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ của các trang trại là trên 82 tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại có giá trị hàng hóa trên 2 tỷ đồng; tổng thu nhập các trang trại trên 22 tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại có thu nhập trên 660 triệu đồng. Bên cạnh các trang trại được cấp giấy chứng nhận theo Thông tư số 27, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều trang trại có quy mô nhỏ, mang tính tự phát. Hầu hết các nông hộ đều cố gắng xây dựng và phát triển mô hình kinh tế của mình theo hướng đạt chuẩn kinh tế trang trại bởi nếu được công nhận, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được xem xét cho vay mức tối đa 1 tỷ đồng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP "Về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn" – một nguồn lực quan trọng để các trang trại duy trì hoạt động và mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, khi được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, người dân còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, lao động, khoa học công nghệ...
Chị Đoàn Thị Thi (thôn 3, xã Krông Á, huyện M’Đrắk) chăm sóc cho bò của gia đình. |
Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn kinh tế trang trại hiện nay trên địa bàn huyện M’Đrắk vẫn còn nhiều khó khăn. Từ năm 2014, gia đình chị Đoàn Thị Thi, thôn 3, xã Krông Á bắt đầu xây dựng mô hình kinh tế theo hướng trang trại. Trên diện tích hơn 6 ha, chị Thi đã quy hoạch trồng 3 ha mía, 2 ha mắc-ca và cây chùm ngây, 3 sào ao nuôi cá và hệ thống chuồng trại, liên kết chăn nuôi 17 con bò (trong đó có 8 con bò sinh sản). Sau gần 2 năm triển khai, mô hình trang trại của gia đình chị Thi bước đầu đã cho thu nhập ổn định. Tuy nhiên để đạt chuẩn theo Thông tư số 27, thì mô hình kinh tế trang trại của gia đình chị Thi vẫn còn gặp nhiều trở ngại: khó khăn lớn nhất là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiếp đến là nguồn vốn để duy trì và mở rộng quy mô sản xuất...
Theo ông Lê Phạm Mạnh, chủ trang trại tổng hợp tại thôn 18, xã Ea Riêng, một khó khăn nữa trong phát triển kinh tế trang trại là vấn đề giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay các trang trại trên địa bàn huyện M'Đrắk phát triển chủ yếu đều mang tính tự phát, thiếu định hướng, phân tán, manh mún, chưa có thị trường đầu ra ổn định. sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho tư thương nên thường bị ép giá. Bên cạnh đó, trình độ quản lý, chuyên môn của các chủ trang trại còn hạn chế; phần lớn chủ trang trại quen với mô hình sản xuất nhỏ, việc tổ chức sản xuất, kinh doanh và quản lý kinh tế chủ yếu theo kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về thị trường...
Thiết nghĩ, để loại hình kinh tế trang trại trên địa bàn huyện M'Đrắk tiếp tục phát triển, các cấp ngành cần hỗ trợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kết hợp với cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại để chủ trang trại yên tâm đầu tư phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi giúp các chủ trang trại được tiếp cận nhiều nguồn vốn tín dụng, nhất là với các nguồn vốn ưu đãi; xây dựng quy hoạch phù hợp cho mỗi vùng để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, sát với nhu cầu của thị trường và phát huy được tiềm năng lợi thế của địa phương; hướng dẫn các chủ trang trại, nhất là trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có phương án xử lý chất thải, nước thải bảo đảm vệ sinh môi trường…
Mỹ Sự
Ý kiến bạn đọc