Nghị quyết 35 của Chính phủ: Làn gió mới cho doanh nghiệp
Lần đầu tiên, Chính phủ có Nghị quyết riêng về hỗ trợ doanh nghiệp (DN) với nhiều giải pháp đồng bộ, được kỳ vọng sẽ mang đến làn gió mới cho cộng đồng DN cả nước nói chung, trong đó có Đắk Lắk.
Ngày 16-5-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê chuẩn Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, với mục tiêu cơ bản là xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu DN, trong đó, khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, gần 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, năng suất lao động xã hội tăng 5%/năm; hằng năm có 30 - 35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo. Nghị quyết xác định nội dung trọng tâm là công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách và đưa ra các giải pháp cụ thể hỗ trợ DN, trong đó, quan trọng nhất là giảm thuế, hải quan và các chi phí không cần thiết và xây dựng cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ. Đặc biệt, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các DN năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định “DN là đội quân tiên phong, động lực để phát triển kinh tế đất nước, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để cộng đồng DN phát triển và ngày càng lớn mạnh”.
Dây chuyền sản xuất bia chai của nhà máy bia Sài Gòn - miền Trung. |
Cộng đồng DN Đắk Lắk tiếp nhận Nghị quyết 35 của Chính phủ với nhiều kỳ vọng về sự tiếp sức từ Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng. Ông Đoàn Trọng Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Tâm Bình (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh nông sản, hiện đang gặp nhiều khó khăn do năng lực tài chính yếu, dây chuyền thiết bị hạn chế, hy vọng thời gian tới sẽ dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và nâng cao chất lượng sản phẩm”. Còn đại diện Hiệp hội DN Đắk Lắk đánh giá, phần lớn DN Đắk Lắk có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, bởi vậy việc thực hiện nghị quyết này sẽ tạo động lực cho DN phát triển, đặc biệt là giảm chi phí không cần thiết, tăng cơ hội tiếp cận hỗ trợ tín dụng, nâng cao năng lực công nghệ và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 7.000 DN đang hoạt động, trong đó, 55% DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; công nghiệp, xây dựng 25%; nông, lâm, thủy sản 15% và các lĩnh vực khác 20%. Thực tế, thời gian qua, một số chính sách hỗ trợ DN vẫn còn mang tính hình thức, thiếu kinh phí thực hiện dẫn đến hiệu quả chưa cao; bên cạnh đó, bản thân DN cũng chưa tích cực hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thiếu liên kết, hợp tác trong đầu tư sản xuất kinh doanh. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, giai đoạn 2016-2020, sẽ thành lập mới 4.950 DN; 70 DN tham gia trực tiếp xuất khẩu; 75% lao động tại các DN được đào tạo. Theo đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, hỗ trợ các nguồn lực cần thiết để các DN phát triển cả về quy mô lẫn hiệu quả sản xuất kinh doanh; ban hành các chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích DN chủ động đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất; hỗ trợ DN tiếp cận mặt bằng sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời, đẩy mạnh chương trình đổi mới, sắp xếp DN do Nhà nước làm chủ sở hữu. Ông Dương Thanh Tương, Chủ tịch Hiệp hội DN Đắk Lắk cho biết, cùng với nghị quyết của Chính phủ, thời gian tới, Hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiến nghị tỉnh thành lập Quỹ hỗ trợ DN vừa và nhỏ, nhằm giúp DN giảm bớt áp lực về vốn và hỗ trợ DN khởi nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và tiếp cận thị trường quốc tế.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc