Multimedia Đọc Báo in

Agribank Đắk Lắk với chính sách tín dụng ưu đãi doanh nghiệp

09:16, 12/10/2016

Với vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước lớn nhất trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk (Agribank Đắk Lắk) đã có hàng loạt động thái tích cực, trong đó có tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất kinh doanh.

“Kênh” dẫn vốn chưa thông

Theo số liệu của Sở Kế hoạch - Đầu tư, hiện toàn tỉnh đang có trên 6 nghìn DN, thuộc các thành phần kinh tế: Nhà nước, tập thể và tư nhân đang hoạt động, hằng năm đóng góp trên 60% tổng thu ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó là DN vừa và nhỏ, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sơ chế nông sản… Ngoài năng lực hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng của địa phương, giữa các DN còn chưa có sự hợp tác chặt chẽ khiến sức cạnh tranh hay hỗ trợ nhau trên thương trường còn yếu. Đó là chưa kể một số DN hoạt động kém hiệu quả dẫn đến tình trạng DN đủ điều kiện tiếp cận vốn tín dụng của ngân hàng không nhiều; hoặc DN có nhu cầu vay, nhưng vốn tự có thấp, không đủ điều kiện tham gia các dự án lớn, trong khi việc thực hiện bảo đảm tiền vay đối với DN Nhà nước lại thường “vướng” ở quyền sử dụng đất, nên tài sản thế chấp nhỏ (thường là vườn cây) dẫn đến khoản vay không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư. Đặc biệt, ở một bộ phận không nhỏ DN tư nhân vẫn giữ thói quen quan hệ tín dụng theo hình thức vay hộ gia đình mà không vay theo mô hình DN vì ngại làm hồ sơ thủ tục, khai báo thông tin thuế, công nợ... khiến ngân hàng khó dành thêm tín dụng ưu đãi đối với loại hình DN này.

Cán bộ Agribank Đắk Lắk kiểm tra tiến độ tái canh cà phê tại Công ty  Cà phê Việt Đức.   Ảnh: Giang Nam
Cán bộ Agribank Đắk Lắk kiểm tra tiến độ tái canh cà phê tại Công ty Cà phê Việt Đức. Ảnh: Giang Nam

Trong khi đó, về phía ngân hàng, việc cho vay DN trong thời gian qua cũng đã bộc lộ những bất cập nhất định. Có thể thấy rõ trong khoảng 2 năm trở lại đây, những vụ án nổi cộm liên quan đến hoạt động tín dụng đều xuất phát từ các khoản vay DN. Thực tế đó đã tác động không nhỏ đến cán bộ tín dụng cho vay DN, bởi yếu tố trách nhiệm luôn “đè nặng” lên họ. Bên cạnh đó, thông tin về DN mà cán bộ tín dụng có được cũng chưa đầy đủ, thiếu cơ sở phân tích tài chính DN để đưa ra quyết định cấp tín dụng, dẫn đến nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Cơ hội “vàng” cho DN

Trước thực tế trên, để hỗ trợ, đồng hành cùng DN, Agribank Đắk Lắk đã liên tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi như dành 15 nghìn tỷ đồng cho DN vay, với lãi suất chỉ 5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, được áp dụng từ 20-9 đến 31-12-2016. Đây là lần thứ hai liên tiếp Agribank Đắk Lắk triển khai gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng DN. Trước đó, ngân hàng này cũng đã triển khai gói tín dụng cho khách hàng DN với lãi suất chỉ 6%/năm và đã giải ngân cho 25 DN, với số tiền gần 200 tỷ đồng. Theo Giám đốc Agribank Đắk Lắk Trần Đình Chánh, tính đến nay, dư nợ cho vay DN của toàn chi nhánh đạt trên 1.100 tỷ đồng, với 415 DN vay vốn. Đây là một con số không nhỏ, nhưng vẫn còn khiêm tốn so với quy mô, cũng như nguồn lực vốn tại một ngân hàng lớn như Agribank. Vì vậy, trong thời gian tới, song song với việc “bơm vốn” vào thị trường, ngân hàng này cũng sẽ tích cực thực hiện cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật. Để làm được điều đó, Agribank Đắk Lắk sẽ nâng cao khả năng thẩm định, chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ tiện ích… nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, giúp DN sớm tiếp cận được nguồn vốn vay.

Công ty TNHH Đông Phương Ea Kar đang hoạt động hiệu quả nhờ vốn vay từ Agribank Đắk Lắk.    								      Ảnh: Giang Nam
Công ty TNHH Đông Phương Ea Kar đang hoạt động hiệu quả nhờ vốn vay từ Agribank Đắk Lắk. Ảnh: Giang Nam

Với một thị trường còn nhiều tiềm năng cùng sự vào cuộc tích cực của Agribank Đắk Lắk, cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh sẽ có cơ hội được tiếp cận nguồn lực tài chính mạnh, ổn định. Đó là “đòn bẩy” quan trọng để DN đẩy mạnh đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.       

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.