Multimedia Đọc Báo in

Phát triển cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu: Đâu là giải pháp?

08:36, 29/03/2017

Kỳ 2: Cấp bách tổ chức lại sản xuất

Bộ NN-PTNT khẳng định, biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng gay gắt hơn, nhất là hạn hán, do đó người trồng cà phê không thể sản xuất theo cách truyền thống mãi được. Vì vậy, ngành cà phê cần phải có những giải pháp ứng phó phù hợp với BĐKH.

Cần quản lý quy hoạch tốt hơn

Cục Trồng trọt cho biết, hiện nay cây cà phê được trồng tại 22 tỉnh, thành phố trên cả nước, với hơn 643.000 ha, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, trong đó Đắk Lắk được mệnh danh là thủ phủ với trên 203.000 ha. Những năm gần đây, BĐKH đã và đang gây ảnh hưởng nặng nề đến loại nông sản có giá trị xuất khẩu gần 2 tỷ USD này. Vì vậy, việc tăng cường quản lý quy hoạch tổng thể vùng sản xuất cà phê sẽ bảo đảm tính bền vững trong bối cảnh BĐKH. Theo kế hoạch phát triển cà phê bền vững của Bộ NN-PTNT, đến năm 2020, sẽ ổn định diện tích cà phê cả nước trong khoảng 600.000 ha, trong đó vùng trọng điểm gồm 4 tỉnh Tây Nguyên là Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai và Đắk Nông; chuyển đổi 43.000 ha cà phê nằm ngoài quy hoạch sang trồng cây khác. Trong đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh thì Đắk Lắk sẽ ổn định 180.000 ha cà phê, sản lượng 478,9 nghìn tấn; sẽ chuyển đổi 23.357 ha cà phê sang trồng các loại cây khác. Đồng thời, thành lập các HTX chuyên về sản xuất, kinh doanh cà phê để gom những diện tích nhỏ lẻ thành cánh đồng lớn sản xuất theo đúng quy trình, chuẩn mực của ngành cà phê, đồng thời cung ứng và kiểm soát chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào cho bà con nông dân… Khi có liên kết trên diện tích lớn, tạo được sự đồng nhất về chất lượng, ổn định nguồn hàng thì việc chống chọi với sự biến động của giá cả thị trường hay sự bất thường của thời tiết thuận lợi hơn.

Sản xuất giá thể bầu giống tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.
Sản xuất giá thể bầu giống tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.

Tuy nhiên trên thực tế, việc quản lý quy hoạch đang có nhiều hạn chế bởi diện tích hiện tại đã vượt xa con số quy hoạch, trong khi đó nông dân sản xuất chủ yếu mang tính tự phát, thiếu định hướng cụ thể từ các cấp chính quyền. Do đó, để tăng cường công tác quản lý, trước hết cần nêu cao vai trò trách nhiệm của bộ, ngành liên quan, đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể như giao chỉ tiêu thực hiện cho từng địa phương; kiểm tra, đánh giá hằng năm kết quả thực hiện; chú trọng đến công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân về những bất lợi trong phát triển cà phê ngoài vùng quy hoạch. Ngoài ra, phải có chính sách cụ thể về khuyến nông, tín dụng, thu hút doanh nghiệp liên kết với nông dân… đối với những diện tích cà phê cần chuyển đổi sang cây trồng khác; lồng ghép chiến lược ứng phó với BĐKH vào quy hoạch để nâng cao chất lượng dự báo về BĐKH tác động đến sản xuất cà phê.

Áp dụng thực hành nông nghiệp tốt

Tây Nguyên là khu vực có diện tích cà phê lớn nhất nước nhưng hầu hết được canh tác bởi các nông hộ (trung bình 1 ha) dưới dạng cây trồng độc canh không được che bóng và được làm cỏ sạch sẽ. Đơn cử như ở Đắk Lắk, có gần 90% diện tích cà phê do nông dân tự trồng và quản lý, chỉ có trên 10% diện tích cà phê sản xuất tập trung do các doanh nghiệp quản lý. Điều này vô hình trung làm giảm khả năng chống chọi của cây cà phê trước những thay đổi bất thường của thời tiết. Chính vì vậy, việc áp dụng thực hành nông nghiệp tốt hay sản xuất cà phê theo chứng nhận/chứng chỉ là giải pháp quan trọng để ứng phó với BĐKH. Hiện Đắk Lắk có các loại hình sản xuất cà phê có chứng chỉ/chứng nhận như: 4C, UTZ Certifed, RFA và Fairtrade, với tổng diện tích trên 61.000 ha và sản lượng đạt gần 222 nghìn tấn (trong niên vụ 2015-2016). Việc triển khai phổ biến quy trình sản xuất cà phê có chứng nhận đã tạo được những tác động to lớn đến ý thức, năng lực của người sản xuất, đặc biệt là liên quan đến quá trình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường, góp phần làm giảm thiểu rủi ro do BĐKH gây ra.

Vườn cà phê đa canh thích ứng với biến đổi khí hậu ở xã Ea Púk, huyện Krông Năng.
Vườn cà phê đa canh thích ứng với biến đổi khí hậu ở xã Ea Púk, huyện Krông Năng.

 

Sở NN-PTNT cho biết, đến năm 2020, Đắk Lắk sẽ có khoảng 80% diện tích cà phê được áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (có chứng nhận như UTZ Certify, 4C, Rainforest Aliance, VietGAP…) và 80% sản lượng cà phê quả tươi đạt tiêu chuẩn TCVN 9728-2012.

Ngoài ra, việc thực hiện các giải pháp đa dạng hóa vườn cây bằng cách trồng xen các loại cây trồng vừa tạo hành lang che bóng, chắn gió vừa tăng thu nhập lại giảm thiểu rủi ro so với phương pháp độc canh truyền thống. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thì trồng xen bơ, sầu riêng, tiêu, keo đậu Cuba, muồng đen… làm tăng thêm thu nhập cho nông dân từ 40-80% (tùy loại cây trồng). Đặc biệt, việc trồng xen có thể tiết kiệm được 100m3 nước/tấn cà phê nhân so với vườn cây trồng thuần (600m3) nhưng vẫn tăng hiệu quả sử dụng nước lên gần 18%. Việc bón phân dựa vào độ phì của đất cũng giúp người dân tiết kiệm 10-30% chi phí, hạn chế tình trạng tồn dư hóa chất trên vườn cây. Ông Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết (huyện Cư M’gar) cho hay, ngành nghề chính của HTX là chế biến cà phê tươi, nhân xô và rang xay đạt chứng nhận Fairtrade, với 97 hộ thành viên, diện tích 183 ha, sản lượng ước tính 720 tấn. Nhận thức được những ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH đến cây cà phê, HTX đã xây dựng chiến lược ứng phó lâu dài, trong đó hằng năm lên kế hoạch sản xuất phù hợp với sự thay đổi của thời tiết. Đặc biệt, định kỳ 2 năm/lần, HTX gửi mẫu đất lên Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên để phân tích và hướng dẫn cách nhận biết vườn cây thiếu chất gì để bổ sung dinh dưỡng hợp lý, đồng thời tăng cường bón phân hữu cơ và xây dựng mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cà phê; trồng cây che bóng, chắn gió bằng cây lâm nghiệp, cây ăn quả…

Thực tế đã chứng minh, sản xuất cà phê theo phương pháp thực hành nông nghiệp tốt đang là mô hình thích ứng với BĐKH, tuy nhiên diện tích áp dụng các phương pháp sản xuất này chiếm tỷ lệ quá ít, chủ yếu là những những hộ liên kết với công ty, HTX hoặc tham gia các dự án…

(còn nữa)

Minh Thuận - Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc