Hiệu quả bước đầu từ mô hình cải tạo vườn tạp ở Hòa Đông
Thời gian qua, Hội Nông dân xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc) đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Trong những giải pháp đó, mô hình cải tạo vườn tạp đã và đang được người dân đồng tình hưởng ứng.
Thực hiện Nghị quyết số 09 - NQ/HU ngày 18-3-2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pắc về “chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”, trong thời gian qua, Hội Nông dân xã đã tổ chức trên 500 buổi tuyên truyền với hơn 20.000 lượt hội viên nông dân tham gia. Không chỉ làm tốt công tác tham mưu, tuyên truyền mà hội còn tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, khuyến nông, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, triển khai thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân vay vốn, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con giống có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất… Nhờ đó, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn sử dụng các giống mới, đầu tư mở rộng và cơ giới hóa sản xuất để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Vườn bơ booth của gia đình ông Y Blim Byă năm nay hứa hẹn sẽ cho một vụ bội thu. |
Ông Bùi Văn Lê, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Đông cho biết, nhằm xóa đói giảm nghèo, tăng thêm thu nhập cho hội viên nông dân tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, năm 2014, Hội Nông dân xã đã tham mưu cho Đảng ủy xã thực hiện mô hình cải tạo vườn tạp tại buôn Ta, buôn Puôr và buôn Ea Kmát. Sau khi tiến hành khảo sát thu thập số liệu để có cơ sở so sánh hiệu quả trước và sau khi cải tạo của các hộ dân đã đăng ký, Hội Nông dân xã đã tham mưu cho Đảng ủy xã và quyết định chọn 3 hộ có điều kiện về khả năng kinh tế tổ chức thực hiện mô hình điểm.
Ông Bùi Văn Lê, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Đông
|
Thời gian trước, gia đình ông Y Blim Byă ở buôn Ea Kmát đã để lãng phí khu vườn rộng 2.400 m2 nhiều năm trời vì chỉ trồng các cây tạp, không mang lại nhiều giá trị kinh tế. Năm 2014, sau khi được tuyên truyền mô hình cải tạo vườn tạp, gia đình ông Blim đã mạnh dạn nhổ bỏ toàn bộ cây trồng cũ để trồng cây bơ booth. Mọi kiến thức về cải tạo vườn tạp cũng như kỹ thuật chăm sóc cây đều do cán bộ Hội Nông dân xã trực tiếp truyền đạt đã giúp vườn cây của gia đình ông phát triển tốt, hứa hẹn năm nay sẽ mang lại cho gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng.
Hay như hộ ông Y Brin Niê ở buôn Ta, do không được đầu tư hợp lý nên vườn cà phê già cỗi của gia đình ông mỗi năm chỉ mang lại nguồn thu nhập không đáng kể. Sau khi xã phát động mô hình cải tạo vườn tạp, ông đã mạnh dạn chặt bỏ các cây cà phê già cỗi, vay thêm vốn để đầu tư trồng xen hồ tiêu trên diện tích 2.000 m2. Ông Y Brin cho hay, từ những cây cà phê cũ cộng với hồ tiêu đã cho thu bói, năm nay gia đình ông thu nhập khoảng trên 60 triệu đồng.
Nhận thấy mô hình cải tạo vườn tạp bước đầu đã có kết quả khởi sắc nên các hội viên trong xã, đặc biệt là 3 buôn đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn đăng ký tham gia vào mô hình. Có thể kể đến như gia đình ông Y Mi Êban, Y Năm Mlô (buôn Ea Kmát) đăng ký trồng xen bơ, hồ tiêu trong vườn cà phê; hộ ông Y Jút Ayũn (buôn Puôr) đăng ký trồng sầu riêng Dona trên diện tích 1.500 m2…
Theo ông Lê, để đạt được những kết quả đó, trước hết là nhờ sự lãnh đạo của Hội Nông dân huyện, sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Đảng ủy xã Hòa Đông và sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể đã tạo động lực giúp hội viên nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống. Với lợi thế về thổ nhưỡng và giao thông thuận tiện, mô hình cải tạo vườn tạp ở Hòa Đông đã và đang tạo hướng đi mới trong sản xuất. Hiệu quả bước đầu từ mô hình đã từng bước giúp người nông dân tự nâng cao đời sống cho gia đình mình, cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương…
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc