Multimedia Đọc Báo in

Thu tiền tỷ từ cây bưởi da xanh

08:48, 07/06/2017

Ông Nguyễn Văn Nhàn và bà Nguyễn Thị Thái Hà (tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) vốn làm nghề buôn bán nông sản nhưng rất đam mê trồng trọt nên bao nhiêu lời lãi trong kinh doanh đều dồn vào mua đất.

Cả những vùng đất xấu, ông cũng không ngại đầu tư thời gian, công sức cải tạo, biến đất cằn cỗi trở nên màu mỡ.

Năm 1990, ông, bà cũng như nhiều nông dân khác trong vùng chọn cây cà phê để khởi nghiệp. Về sau, thấy người dân đua nhau mở rộng diện tích cà phê nên ông bà chuyển hướng sang trồng hồ tiêu. Nhờ siêng năng, chịu khó chăm sóc, vườn cà phê 10 ha và 3 ha tiêu phát triển tươi tốt, cho thu nhập ổn định vài trăm triệu đồng/vụ. Sau đó nhận thấy tiền đầu tư vào cà phê và tiêu tương đối lớn, trong khi giá cả liên tục biến động nên ông, bà quyết định chọn cây ăn quả làm hướng đi riêng. Năm 2007, ông trồng thêm 2 ha sầu riêng và xen canh hàng trăm cây sầu riêng khác vào vườn cà phê. Thời điểm đó, sầu riêng còn khan hiếm, bán được giá cao cho thu nhập bình quân 200 triệu đồng/ha. Ông bà tiếp tục lấn sân sang trồng bơ và mít Thái (mít “siêu sớm”) vừa để đa dạng cây trồng vừa so sánh hiệu quả kinh tế giữa các các cây trồng với nhau.

Bà Hà bên vườn bưởi da xanh trĩu quả.
Bà Hà bên vườn bưởi da xanh trĩu quả.

Năm 2012, ông Nhàn nhận thấy bưởi da xanh - loại quả biểu tượng cho sự may mắn, tài lộc đang có sức hút trên thị trường nên một mình khăn gói xuống miền Tây mua 700 gốc về trồng thử nghiệm. Nhiều người thấy ông chặt bỏ cà phê để trồng loại cây vốn chỉ ưa tiết trời dịu mát, ôn hòa ở miền Tây Nam Bộ nên ra sức can ngăn nhưng ông quyết làm tới cùng. Ông cải tạo đất cho tơi xốp, trồng một lớp cỏ dại dưới gốc bưởi tránh xói mòn, lắp hệ thống tưới tiết kiệm cung cấp nước quanh năm… để bảo đảm mọi điều kiện tốt nhất cho cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt.

Với cách làm khoa học trên, ba năm sau vườn bưởi bắt đầu ra hoa, đậu quả. Vỏ bưởi màu xanh, ruột hồng, không hạt, ăn rất ngon, ngọt không thua kém bưởi trồng ở miền Tây. Cây bưởi ra trái quanh năm, trung bình một cây cho 100 quả, mỗi quả nặng từ 1 - 3 kg, giá bán tại vườn 40 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên đến 70 nghìn đồng/kg. Dù giá cao nhưng vườn bưởi luôn “cháy hàng”, vì trên địa bàn hiện nay chỉ mình nhà ông, bà trồng. Năm 2015, vườn bưởi 1 ha cho thu nhập 1,2 tỉ đồng.

Bà Hà cho biết, để cây bưởi ra hoa, đậu quả trên vùng đất có khí hậu nắng - mưa thất thường không hề đơn giản. Người trồng phải tính toán rất kỹ từ khâu cây giống, bón phân, tưới nước, ánh sáng…, đến việc che chắn gió cho cây vì đất bazan rất mềm, những lúc mưa bão rất dễ làm bật gốc. Hiện gia đình bà đang nghiên cứu nhân giống cây bằng phương pháp ghép cho rễ cọc bám sâu phù hợp với đất Tây Nguyên.

Huỳnh Thủy - Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.