Multimedia Đọc Báo in

Hòa An trên đường về đích nông thôn mới

08:33, 16/08/2017

Những con đường liên xã, liên thôn được bê tông hóa sạch đẹp, nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát, hệ thống thủy lợi được đầu tư kiên cố, cuộc sống người dân ngày càng khấm khá, đó là những điều dễ nhận thấy khi đặt chân đến xã Hòa An (huyện Krông Pắc).

Hôm chúng tôi đến, các cán bộ lãnh đạo UBND xã và người dân thôn 1A đang tất bật, phấn khởi làm đường giao thông, công trình có chiều dài gần 1 km đang dần hoàn thiện. Không giấu được niềm vui, ông Nguyễn Văn Nửa, Trưởng thôn 1A cho biết, con đường liên thôn này đã xuống cấp từ lâu, vào mùa mưa luôn bị ngập nước, lầy lội  nhưng giờ đây đã được mở rộng, nâng cấp, tạo điều kiện cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn. Để làm đường, UBND huyện hỗ trợ 100% vật liệu xây dựng, các gia đình đóng góp ngày công lao động và bình quân mỗi hộ khoảng 4 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã, những bãi rác tự phát hay việc xả thải trong chăn nuôi không đúng quy định đã từng là nỗi ám ảnh của người dân xã Hòa An. Vì vậy khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) xã đã chỉ đạo các thôn, buôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân, đồng thời quy hoạch bãi chôn lấp rác thải tập trung tại thôn Thăng Tiến 3 và thành lập tổ thu gom rác nên diện mạo nông thôn ở địa phương được thay đổi đáng kể. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã thành lập hợp tác xã, mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực, nâng thu nhập bình quân đầu người lên gần 32 triệu đồng/năm. Ngoài ra, xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi đảm bảo nước tưới cho gần 80% diện tích cây trồng; tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 6,6%.

Ông Nhâm cho biết thêm, điều quan trọng nhất trong xây dựng NTM là phải phát huy được sức mạnh nội lực trong nhân dân, giải thích cho dân hiểu những chủ trương, việc làm của Đảng, Nhà nước là đem lại lợi ích cho chính họ chứ không phải ai khác. Nhờ sự đóng góp của nhân dân mà nhiều công trình phúc lợi được xây dựng, điển hình như ông Phạm Văn Bé ở thôn 8, đã tự nguyện hiến 240 m2 đất nằm sát mặt đường để mở rộng mặt bằng tuyến đường liên xã. Từ đó, phong trào hiến đất trong nhân dân được lan tỏa rộng rãi, nhiều gia đình khác cũng nhiệt tình góp công, góp của, hiến cây, tường rào để làm đường giao thông, bãi rác, trường học, nhà văn hóa với diện tích khá lớn, giúp giảm bớt áp lực cho chính quyền địa phương.

Đến nay xã Hòa An đã đạt 17/19 tiêu chí NTM, theo kế hoạch để đạt chuẩn NTM, xã phải hoàn thành thêm 2 tiêu chí, đó là giao thông và cơ sở vật chất văn hóa. Hiện nay các hội trường thôn, buôn và sân thể thao ngoài trời đang trong giai đoạn hoàn thiện, chỉ riêng tiêu chí về giao thông được xem là khó khăn nhất, trục đường liên xã chỉ mới nhựa hóa được 39,6%, đường ngõ xóm cứng hóa được 40%, tỷ lệ này còn thấp so với Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM. Để có thể cán đích NTM vào cuối năm nay, xã Hòa An đã xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, trong đó tận dụng tối đa các nguồn vốn của nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp và huy động người dân tham gia. “Đây là tiêu chí rất khó, đòi hỏi nguồn vốn lớn nhưng chúng tôi quyết tâm khó mấy cũng làm và sẽ làm được” - ông Nhâm khẳng định.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.