Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Xuất khẩu lao động chưa thu hút lao động người dân tộc thiểu số

08:31, 16/08/2017

Trong những năm qua, huyện Cư M’gar đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu lao động, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, nâng cao trình độ tay nghề, xây dựng tác phong công nghiệp cho nhiều lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu lao động chưa thực sự thu hút được người lao động, nhất là lao động người dân tộc thiểu số. 

Huyện Cư M’gar có trên 186.000 dân, trong đó có trên 123.000 người lao động. Huyện hiện đang liên kết với khoảng 20 công ty, doanh nghiệp có uy tín được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Từ năm 2015 đến nay, huyện Cư M’gar có 58 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó có 16 lao động là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ khoảng 27,5%, chủ yếu làm việc ở các nước như  Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ảrập Xêút.

Tuy nhiên, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài so với tiềm năng lao động của huyện Cư M’gar vẫn còn ít ỏi, nhất là những người lao động nông nhàn ở khu vực nông thôn, người dân tộc thiểu số... chưa “mặn mà” với xuất khẩu lao động. Ông Phạm Đình Trọng, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Cư M’gar cho biết: “Xuất khẩu lao động chưa thu hút được người lao động có nhiều nguyên nhân như: một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của xuất khẩu lao động nên công tác chỉ đạo đôi khi còn mang tính hình thức; việc tư vấn cho lao động có lúc còn chưa đầy đủ, chưa kịp thời, còn hạn chế trong việc cung cấp thông tin các thị trường lao động. Bên cạnh đó, đa số lao động nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ, năng lực để đi làm việc tại những nước có thu nhập cao; chủ yếu làm những công việc đơn giản nên thu nhập cũng thấp khiến người lao động không mặn mà. Nhiều gia đình không muốn cho con em đi làm việc xa nhà. Các thông tin như người lao động bỏ về nước, người lao động bị lừa… càng khiến nhiều người e ngại”.

Như trường hợp anh Y Phát Ktla (buôn Sah B, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Malaysia với nguyện vọng muốn làm việc trong ngành cơ khí vì thu nhập khá, ổn định. Anh được tạo điều kiện vay vốn tại Phòng giao dịch Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện làm chi phí xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, khi sang Malaysia, anh Y Phát được đưa đi làm việc trong một công ty sản xuất nhựa, lương thấp (bình quân chỉ đạt 5-6 triệu đồng/tháng). Sau khi trừ chi phí sinh hoạt hằng ngày thì mỗi tháng anh chỉ gửi về cho gia đình hơn 1 triệu đồng. Thấy không hiệu quả nên sau khi hết 3 năm hợp đồng làm việc, anh Y Phát Ktla quyết định về nước dù vẫn được gia hạn visa thêm. Sau 3 năm xuất khẩu lao động, anh chỉ gửi về cho gia đình được 30 triệu đồng, chỉ đủ trang trải chi phí, sinh hoạt trong nhà nên nguồn vốn vay từ ngân hàng gia đình anh chưa trả được. Trường hợp của anh Y Phát khiến nhiều người dân xã Ea Tul không muốn con em mình  đi xuất khẩu lao động. Điều đáng nói là trên địa bàn xã Ea Tul, dù lực lượng lao động rất dồi dào nhưng đa số đều không có tay nghề như anh Y Phát Ktla. Chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, trình độ văn hóa và ngoại ngữ thấp, năng suất làm việc chưa cao… nên hầu hết lao động không đáp ứng được yêu cầu của những công việc có mức lương cao khi đi xuất khẩu lao động.

Hiện nay, huyện Cư M’gar đang tăng cường các hoạt động quản lý và đẩy mạnh xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Huyện chú trọng các giải pháp như: triển khai các chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động; tạo điều kiện cho người lao động vay vốn tại các ngân hàng; thông tin về ngành nghề đang thiếu nguồn nhân lực; giải đáp, hướng dẫn về những vấn đề thắc mắc của các lao động, các hộ gia đình về điều kiện cơ bản để được tham gia xuất khẩu lao động, thủ tục đăng ký, thời gian làm việc, quyền lợi được hưởng khi làm việc ở nước ngoài…

Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp nói trên, thiết nghĩ huyện cần chú trọng đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động, nhất là với lao động người dân tộc thiểu số; yêu cầu các công ty, doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động phải có trách nhiệm với người lao động hoặc những biện pháp xử lý đối với những người lao động vi phạm hợp đồng; tăng cường công tác theo dõi, giám sát, quản lý và có trách nhiệm giải quyết, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho chủ sử dụng và người lao động. Có như vậy, công tác xuất khẩu lao động mới thực sự mang lại hiệu quả và thu hút người lao động nhiều hơn.

H’Xiu Êban


Ý kiến bạn đọc