Multimedia Đọc Báo in

Tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc gia cầm: Đang có dấu hiệu lơ là

08:32, 16/08/2017

Thời gian qua việc giá thịt gia súc, gia cầm giảm mạnh, đặc biệt là heo thịt, đã có những tác động tiêu cực đến các hộ chăn nuôi. Nhiều người dân đã không còn mặn mà với việc phòng bệnh, tiêm vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi.

Theo đánh giá của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ea Kar, hiện tại phần lớn các trang trại, gia trại vẫn chủ động thực hiện tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm. Đối với heo có 7 loại vắc xin, riêng heo nái 8 loại (tổng chi phí tiêm phòng khoảng 220 nghìn đồng/năm); với đàn gia cầm có 6 loại vắc xin.

Tuy nhiên, do giá heo giảm mạnh trong thời gian dài nên hầu hết các trang trại đã phải giảm tiêm một số loại vắc xin như tụ huyết trùng, thương hàn, viêm phổi. Ngoài ra, vắc xin lở mồm long móng (LMLM) chủ yếu chỉ tiêm trên đàn heo nái, cắt tiêm cho heo thịt. Tương tự với đàn gia cầm, giá cũng giảm mạnh (có thời điểm xuống mức dưới 35 – 40 nghìn đồng/kg) khiến nhiều hộ lỗ nặng nên cũng không thiết tha với việc phòng bệnh cho đàn gà, vịt. Hiện giá gà đã lên 50 – 55 nghìn đồng/kg, nhưng người chăn nuôi vẫn giảm nhiều loại vắc xin như viêm phổi, cầu trùng...

Đặc biệt, các hộ chăn nuôi nhỏ, chưa quan tâm đến tiêm phòng cúm do phải tiêm phòng vào thời điểm sau 14 ngày tuổi (gà còn nhỏ) nên người dân ngại mua thuốc về tự tiêm. Riêng với trâu, bò, có 2 loại vắc xin LMLM và tụ huyết trùng, nhưng các loại vắc xin này không phổ biến nên khó mua, trừ các hộ ưu tiên hưởng chính sách tiêm miễn phí (được cấp vắc xin từ nguồn ngân sách Trung ương) nên nhiều hộ chăn nuôi chưa quan tâm lắm. Hiện đang có một khó khăn phát sinh nữa là ở các trang trại an toàn dịch bệnh, mặc dù đã đến kỳ lấy mẫu giám sát dịch bệnh, nhưng cơ quan chức năng ngại đến tận nơi để yêu cầu trang trại thực hiện, vì mỗi đợt như vậy phải tốn  khoảng 30 triệu đồng chi phí, trong khi các trại chăn nuôi, nhất là nuôi heo đang còn lao đao sau đợt giá heo xuống thấp.

 Trang trại nuôi heo  ở xã  Ea Tyh, huyện  Ea Kar.
Trang trại nuôi heo ở xã Ea Tyh, huyện Ea Kar.

Không chỉ riêng ở huyện Ea Kar mà ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi không được các hộ chăn nuôi quan tâm đúng mức. Điều này đang dẫn đến nguy cơ các loại dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, bởi từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 ổ dịch cúm H5N1 và H5N6 ở đàn gà, vịt và 3 ổ dịch bệnh LMLM trên đàn gia súc... gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho các hộ chăn nuôi. Đáng chú ý là phần lớn các hộ xảy ra dịch bệnh đều không tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Theo các trạm chăn nuôi và thú y cơ sở, đây là thời điểm vất vả nhất của nhân viên thú y địa phương vì phải thường xuyên xuống các hộ chăn nuôi để vận động, khuyến cáo bà con thực hiện tiêm phòng cho gia súc, gia cầm và vệ sinh chuồng trại để phòng bệnh. Tuy nhiên, việc tiêm phòng có đầy đủ hay không cũng còn tùy thuộc vào điều kiện tài chính của hộ chăn nuôi.

Theo Sở NN-PTNT, ngay từ đầu năm 2017, ngành chăn nuôi của tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nên chỉ xảy ra dịch ở mức độ nhỏ, lẻ trên quy mô hộ chăn nuôi gia đình như LMLM, cúm gia cầm và một số bệnh thông thường khác. Về công tác tiêm phòng vắc xin, Sở đã ban hành kế hoạch và thông báo triển khai tiêm phòng thời vụ (cho trâu bò, heo), tính đến nay đã tiêm vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò được 106.825 liều, kép lợn 94.380 liều, đạt 100% kế hoạch. Về tiêm phòng vắc xin LMLM, Sở đã ban hành Thông báo số 25/TB-SNN về tiêm phòng đợt 1/2017, do chưa có vắc xin để triển khai trên địa bàn toàn tỉnh nên Sở ưu tiên phân bổ 82.000 liều vắc xin nhị type (O+A) từ nguồn kinh phí năm 2016 cho các địa phương có ổ dịch cũ, nguy cơ bùng phát dịch cao và tổ chức tiêm được 79.853 liều/80.200 liều, đạt 79,85% kế hoạch.

Ngoài ra, còn cấp 2.000 liều chặn đứng dịch LMLM tại huyện Cư M’gar và 625 liều cho xã Cư Né (huyện Krông Búk) chống dịch. Hiện nay, nguồn vắc xin đã hết và đang đợi kinh phí từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia. Sở cũng yêu cầu các trạm chăn nuôi và thú y cơ sở thời điểm này phải bám sát địa bàn vận động bà con thực hiện tốt công tác phòng bệnh để bảo vệ tài sản của gia đình; kịp thời phát hiện các ổ dịch để có giải pháp khống chế dịch nhanh chóng, không để lây lan ra diện rộng...

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc