Trồng chuối xuất khẩu Nam Mỹ: Thu mua chậm, người dân chịu thiệt
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ dân xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) đã trồng chuối xuất khẩu Nam Mỹ với hy vọng cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay chuối đã cho thu hoạch nhưng phía công ty thu mua chậm, không đúng thời gian quy định dẫn đến chuối chín cây nhiều, khiến người trồng chuối chịu thiệt.
Để triển khai mô hình trồng chuối xuất khẩu Nam Mỹ, UBND huyện Buôn Đôn đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần đầu tư Chuối Việt (gọi tắt là Công ty Chuối Việt) ở TP.Hồ Chí Minh về việc cung cấp giống cây trồng và thu mua sản phẩm; tổ chức họp giữa các hộ dân với Công ty Chuối Việt để thông báo về việc tham gia mô hình. Cuối năm 2016, có 6 hộ dân trên địa bàn xã Krông Na đăng ký tham gia trồng chuối xuất khẩu Nam Mỹ với tổng diện tích hơn 11 ha. Các hộ dân được hỗ trợ 50% giống cây trồng và được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc loại chuối này. Theo hướng dẫn, khi chuối trổ, người trồng phải đánh dấu theo từng đợt (gọi là dây). Khi chuối đạt đến dây thứ 8 hoặc 9 tức sắp thu hoạch thì người trồng phải báo cho công ty thu mua để thu hoạch đúng thời điểm, tránh tình trạng chuối chín gây hư hỏng.
Người dân đang cắt lựa riêng chuối chín. |
Tuy nhiên, khi chuối đến thời gian thu hoạch, dù người dân đã thông báo song phía doanh nghiệp vẫn thu mua chậm khiến bà con chịu thiệt. Tại vườn chuối khoảng 7 sào của gia đình chị Lương Thị Hiển (buôn Ea Mar, xã Krông Na) có rất nhiều buồng chuối chín cây, trái chuối bị nứt vỏ, thậm chí bị thối. Chị Hiển cho biết, khi chuối đã cho thu hoạch hàng loạt theo như hướng dẫn cách đây hơn 15 ngày, gia đình chị đã gọi cho Công ty Chuối Việt nhưng mãi đến ngày 14-9, công ty mới cho người vào thu mua, dẫn đến việc chuối bị hư hỏng như trên. Chị Hiển phải cắt từng nải chuối chín đi bán trong chợ rồi bán dạo dọc đường nhưng cũng chẳng được là bao. Chuối chín và hư nhiều, không còn cách nào khác, chị phải mang sang cho các nhà hàng xóm, thậm chí phải cho trâu, bò ăn.
Theo hợp đồng mà Công ty Chuối Việt đã ký cũng như đã thông báo với người dân trong các cuộc họp, khi trồng đúng theo quy trình được hướng dẫn thì phải đạt 90% chuối loại A trở lên; nếu không đạt thì công ty sẽ bù 90% chuối loại A (tức là vẫn trả tiền cho người dân theo giá chuối loại A, với giá 5.000 đồng/kg), chỉ có 10% chuối loại B (giá 3.000 đồng/kg). Với vườn chuối của gia đình chị Hiển đều làm đúng theo quy trình kỹ thuật, chuối được bao bọc rất cẩn thận nhưng nhân viên công ty cho rằng chuối chỉ đạt loại B vì có đốm nâu trên chuối và không hề nhắc đến việc công ty sẽ bù 90% chuối loại A như trong hợp đồng đã nói. Thêm vào đó, trong quá trình thu mua cũng gặp không ít khó khăn, có những khâu không nằm trong hợp đồng nhưng người dân vẫn phải làm. Như chị Hiển cho biết: “Trong hợp đồng, chúng tôi chỉ cắt chuối thành nải cho vào thùng rồi cân. Nhưng bây giờ nhân viên công ty bảo chúng tôi cắt ra từng trái một và chuối cũng không được loại A”.
Trước tình trạng trên, bà Trần Thị Thủy, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Buôn Đôn đã trao đổi trực tiếp qua điện thoại với đại diện lãnh đạo Công ty Chuối Việt để có phương án thu mua hợp lý nhất cho người dân. Theo đó, bên công ty đã đồng ý: chuối của bà con sẽ được thu mua 1 lần với giá 30% loại A và 70% loại B. Chuối chín công ty vẫn thu mua nhưng phải loại bỏ những quả bị nứt vỏ hoặc hư thối không sử dụng được, chỉ thu mua những quả chín còn nguyên vẹn.
Để tránh tình trạng chuối chín hàng loạt không tiêu thụ được, các hộ dân đành phải đồng ý với phương án nói trên. Tuy nhiên, việc thực hiện không đúng theo hợp đồng và cam kết khiến bà con rất bức xúc, tuyên bố sẽ không tiếp tục duy trì trồng loại cây này dù thời gian trồng và thu hoạch có thể kéo dài trong 5 năm.
Thanh Mười
Ý kiến bạn đọc