Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng hình thành vùng công nghiệp tập trung

09:06, 08/11/2017

Huyện Krông Năng có nhiều tiềm năng và điều kiện phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Địa phương cũng đang triển khai quy hoạch phát triển công nghiệp (CN) và xúc tiến kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này.

Với dân số gần 130.000 người, là nguồn lao động dồi dào có thể đáp ứng nhu cầu lao động tại các nhà máy, xưởng chế biến quy mô lớn, Krông Năng còn có Quốc lộ 29 đi qua rất thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên vật liệu và giao thương hàng hóa giữa địa phương với Phú Yên và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Đặc biệt, huyện cũng có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào có thể phục vụ các ngành CN chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng như đá bazan, granite; đã được khai thác ở khá nhiều địa điểm, nhất là ở khu vực Bắc và Đông Bắc huyện.

Ngoài ra còn có vàng sa khoáng và các loại đá quý xung quanh thượng nguồn các suối lớn. Đặc biệt, địa phương có trữ lượng lớn về than bùn nằm tại một số địa điểm thuộc xã Cư Klông, là nguồn nguyên liệu rất tốt cho sản xuất phân vi sinh.

Về lâm sản, với diện tích rừng trồng hơn 2.000 ha, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nghề chế biến gỗ và CN giấy. Ngoài ra, Krông Năng còn là một trong những địa phương phát triển mạnh về nông sản, cà phê, tiêu, cao su…, tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú cho CN chế biến nông sản và thức ăn gia súc.

Chế biến mủ cao su cốm tại Công ty TNHH MTV Cao su Krông Búk.
Chế biến mủ cao su cốm tại Công ty TNHH MTV Cao su Krông Búk.

Công ty TNHH MTV Cao su Krông Búk (xã Ea Hồ) là cơ sở sản xuất CN có quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện. Với công suất hoạt động của nhà máy đạt 5.000 tấn sản phẩm/năm, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã chế biến được hơn 2.640 tấn mủ cao su cốm, sản lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đạt hơn 2.200 tấn. Đứng chân trên địa bàn huyện từ năm 1984, hiện doanh nghiệp này canh tác hơn 3.000 ha cao su, tạo việc làm cho gần 600 lao động địa phương (trong đó gần 20% là đồng bào dân tộc thiểu số), với thu nhập bình quân 5,7 triệu đồng/người/tháng; trong 9 tháng năm 2017 nộp ngân sách hơn 5,3 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh, thời gian qua, đơn vị luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường và thực hiện công tác an sinh xã hội tại địa phương thông qua các hoạt động ủng hộ Quỹ vì người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà Đại đoàn kết và hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới...

Tuy vậy, trên địa bàn huyện vẫn chưa có nhiều cơ sở sản xuất CN quy mô lớn, ngành CN cũng chỉ chiếm tỷ trọng gần 11% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Chính vì vậy, địa phương đã và đang xây dựng một số chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư đến với địa bàn, trong đó chủ động phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan một cách nhanh gọn để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Tập kết cao su thành phẩm tại Công ty TNHH MTV Cao su Krông Búk.
Tập kết cao su thành phẩm tại Công ty TNHH MTV Cao su Krông Búk.

Cùng với đó, huyện đã công bố quy hoạch xây dựng Cụm công nghiệp (CCN) Ea Dăh, diện tích gần 50 ha, là khu sản xuất tập trung quy mô vừa và nhỏ, ít gây ô nhiễm môi trường, mang tính sản xuất đa ngành, mà trọng tâm là cơ khí, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, nông, lâm sản, hàng thủ công mỹ nghệ và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp...

Địa phương cũng đang thực hiện việc phân giới, cắm mốc, giải phóng mặt bằng và kiến nghị tỉnh, Trung ương hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Với việc hình thành CCN Ea Dăh, huyện Krông Năng kỳ vọng sẽ hình thành vùng sản xuất CN tập trung nhằm tận dụng nguồn nguyên vật liệu, lao động sẵn có, qua đó tạo đà phát triển kinh tế của huyện.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.