Multimedia Đọc Báo in

Hệ thống tưới tự động giúp nông dân trồng hoa màu hiệu quả

08:41, 24/01/2018

Những năm gần đây, hầu hết các hộ nông dân ở thị trấn Ea Pôk (huyện Cư M'gar) đều ứng dụng hệ thống tưới tự động cho các vườn rau và hoa. Qua thực tiễn sử dụng cho thấy, hệ thống này đã mang lại những hiệu quả tích cực.

Cách đây gần 3 năm, việc tưới tiêu cho hoa màu của gia đình anh Vũ Quốc Việt (thôn Tân Tiến) chủ yếu bằng cách truyền thống, cả gia đình phải thay nhau ra tưới vì lượng rau trồng nhiều. Từ năm 2016, khi vợ sinh con, mẹ già yếu không có ai để phụ giúp, nhưng lại không có điều kiện thuê nhân công nên vợ chồng anh Việt đã đầu tư xây dựng hệ thống tưới tự động gồm béc tưới và hệ thống đường ống với chi phí trên 10 triệu đồng. Phương pháp này đã giúp anh chị tiết kiệm được nước và nhân công trong sản xuất, giải phóng sức lao động.

Anh Việt chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần tưới rau, các thành viên trong gia đình tôi phải cực nhọc kéo vòi nước khắp ruộng. Theo cách tưới thủ công này, nước phun nhiều và mạnh dễ làm rau bị dập. Còn với phương pháp mới, nước phun đều, vừa đủ kết tụ làm mát trên mặt lá vừa giữ được độ ẩm dưới gốc rau. Việc sử dụng lại khá đơn giản, chỉ cần bật công tắc là hệ thống tưới tự động làm việc thay cho con người, giúp chúng tôi đỡ vất vả hơn”.

Hệ thống tưới tự động của người dân trồng rau ở thị trấn Ea Pôk.
Hệ thống tưới tự động của người dân trồng rau ở thị trấn Ea Pôk.

Không những được sử dụng trong tưới rau, hệ thống tưới tự động này còn được nhiều nhà ứng dụng trong việc trồng hoa. Gia đình bà Bùi Thị Phương (thôn Tân Tiến) có 5 sào đất, sử dụng 1 sào trồng hoa bán để có thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày, 4 sào trồng cà phê. Vì diện tích trồng hoa nhỏ, bà đã đầu tư hệ thống tưới tự động cho đỡ tốn công chăm sóc. Trung bình 1 ngày tưới 2 lần sáng, tối, vừa tiết kiệm thời gian vừa tránh hao phí nước so với cách tưới truyền thống, hoa cũng đỡ bị dập cánh, lá. Thấy rõ hiệu quả của mô hình này, gia đình bà dự định trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư cho vườn cà phê.

Hệ thống tưới tự động có cấu tạo đơn giản, gồm: hệ thống ống nước, béc phun và mô tơ bơm nước. Chi phí đầu tư một hệ thống như vậy cho diện tích rộng khoảng 1.000 m2  từ 1- 3 triệu đồng. Tùy vào loại cây trồng và mật độ để chọn các loại béc tưới khác nhau như: béc phun sương, béc con bướm.. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm cá nhân anh Việt cũng lưu ý nhược điểm của hệ thống tưới tự động như: dễ gây ứ đọng nước ở rãnh, những vùng trũng. Vì vậy, khi sử dụng hệ thống tưới tự động, phải có cách cải tạo đất và chăm sóc khác biệt so với tưới thủ công. Cụ thể, anh Việt lên luống rau cao hơn 10 cm so với thông thường, khoảng cách rãnh giữa các luống cũng rộng hơn, để khi nước không kịp rút sẽ không ảnh hưởng đến rau. Ngoài ra, một số rau cần ít nước hơn sẽ được trồng riêng biệt, để có thời gian tưới và lượng nước ít hơn…

Khi khắc phục được nhược điểm này thì rõ ràng đây là một mô hình hiệu quả, phù hợp cho người dân ứng dụng vào thực tế trồng chuyên canh các loại rau, hoa và nhiều loại cây trồng khác, vừa đảm bảo được nguồn nước tưới trong mùa khô, vừa tăng năng suất cây trồng và nâng cao thu nhập cho người dân. 

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.