Huyện M'Đrắk: Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân
Hội Nông dân huyện M’Đrắk hiện có 10.911 hội viên, sinh hoạt ở 13 cơ sở hội, 173 chi hội. Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện đã tranh thủ khai thác các nguồn vốn vay ưu đãi, huy động nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để giúp hàng nghìn hộ nông dân được vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi hiệu quả.
Đến nay, Hội Nông dân huyện M’Đrắk đã huy động được nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân gần 2,3 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn của Trung ương Hội ủy thác 2 tỷ đồng, nguồn vốn của huyện 250 triệu đồng) để triển khai 45 dự án với các mô hình kinh tế cho thu nhập cao như: chăn nuôi bò bán công nghiệp, trồng hồ tiêu, trồng cây ăn trái, trang trại vườn ao chuồng (VAC)…
Vườn tiêu được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ nông dân của gia đình chị Hoàng Thị Thương (thôn 1, xã Ea Lai). |
Bên cạnh đó, nguồn vốn ưu đãi ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua Hội Nông dân các cấp trong huyện tăng mạnh, đến nay tổng dư nợ vốn vay đạt trên 95,5 tỷ đồng với hơn 3.202 hội viên ở 77 tổ tiết kiệm vay vốn trên địa bàn 13/13 xã và thị trấn. Từ các nguồn vốn này, hội viên nông dân có điều kiện đầu tư mua cây con giống, xây dựng chuồng trại, chăm sóc cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả. Hầu hết các hội viên đều có ý thức trách nhiệm cao trong việc vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn. Nhiều dự án sau khi triển khai đã xây dựng được các mô hình nhóm sản xuất, kinh doanh, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm/tổ. Điển hình như mô hình chăn nuôi bò bán công nghiệp tại xã Ea Riêng với 14 hộ vay số tiền 700 triệu đồng, xã Ea Pil 10 hộ vay 300 triệu đồng; mô hình trồng cây ăn quả công nghệ cao tại xã Cư Prao với 12 hộ tham gia vay 1 tỷ đồng..., trong đó mỗi hộ vay từ 25 đến 90 triệu đồng.
Nhờ được hỗ trợ vốn, nhiều hộ nông dân đã có điều kiện phát triển sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định. Trước đây, do không có nguồn vốn đầu tư nên vườn cây của gia đình chị Hoàng Thị Thương (thôn 1, xã Ea Lai) năng suất đạt thấp, chủ yếu là lấy công làm lãi. Năm 2015, chị Thương được Hội Nông dân hỗ trợ bằng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện 30 triệu đồng để đầu tư cây giống, xây trụ và phân bón trồng tiêu. Đến nay, gia đình chị đã có vườn tiêu với quy mô 900 gốc tiêu từ năm thứ nhất đến năm thứ ba, trong đó có 500 gốc tiêu kinh doanh, mang lại nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm, giúp gia đình cải thiện cuộc sống. Còn gia đình anh Trần Đình Dũng (thôn 10, xã Ea Lai) từng là hộ nghèo của thôn trong nhiều năm. Năm 2011, anh Dũng được Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 25 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Anh đã đầu tư xây dựng mô hình VAC với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, gồm 1.000 m2 đất ruộng, 500 m2 ao cá, vườn tiêu cho thu hoạch trên 1 tấn (tiêu khô) mỗi năm, chăn nuôi heo, gà… với tổng thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Đoàn công tác của Huyện ủy M’Đrắk kiểm tra hiệu quả nguồn vốn vay hỗ trợ nông dân tại xã Ea Lai. |
Ông Y Chen Mlô, Chủ tịch Hội Nông dân huyện M’Đrắk, cho biết: Việc hỗ trợ nông dân vay vốn sản xuất thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả thiết thực, bước đầu tạo thu nhập giúp nông dân có vốn tái đầu tư chăn nuôi, sản xuất, nhân rộng mô hình kinh tế.
Để các nguồn vốn vay thực sự là “đòn bẩy” tạo sinh kế giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân huyện M’Đrắk sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, nông dân hiểu mục đích, ý nghĩa của Quỹ Hỗ trợ nông dân; xác định đúng đối tượng vay; khảo sát xây dựng dự án mới, thẩm định và đề nghị phê duyệt các dự án vay vốn; đồng thời, huy động các nguồn lực nhằm tăng cường nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, giúp thêm nhiều hộ khó khăn được vay vốn đầu tư sản xuất. |
Thu Nguyệt
Ý kiến bạn đọc