Multimedia Đọc Báo in

Bình Thuận nỗ lực giảm nghèo

08:37, 22/05/2018

Trong thời gian qua, với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác xóa đói giảm nghèo ở xã Bình Thuận (TX. Buôn Hồ) đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại địa phương.

Xã Bình Thuận hiện có 2.875 hộ, 12.855 nhân khẩu sinh sống tại 23 thôn, buôn; có hơn 3.200/4.463 ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng cà phê và hồ tiêu. Qua đánh giá, khảo sát, xã Bình Thuận đã xác định được các nguyên nhân cơ bản gây nên đói nghèo như: thiếu đất canh tác; thiếu vốn sản xuất; tuổi cao, bệnh tật; thiếu phương tiện sản xuất; thiếu nguồn lao động... Trên cơ sở đó, xã đã kiện toàn, củng cố Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo và xây dựng quy chế nhằm hoạt động một cách hiệu quả hơn. Ngoài việc thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại, thăm hỏi trực tiếp tại các hộ để tìm ra nguyên nhân và có biện pháp giúp đỡ kịp thời, địa phương còn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân phát huy nội lực, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tích cực lao động sản xuất, không chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức xã hội.

Chị Nguyễn Thị Định chăm sóc vườn bơ  của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Định chăm sóc vườn bơ của gia đình.

Song song đó, xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; giới thiệu các mô hình kinh tế có hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào xen canh nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích... Bên cạnh đó, công tác bình xét, quản lý nguồn vốn vay thuộc các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội được triển khai có hiệu quả; các hoạt động tương trợ, giúp nhau xóa đói giảm nghèo trong tổ chức hội, đoàn thể được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Năm 2017, từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương đã cấp phát hỗ trợ tiền điện cho 150 hộ nghèo với tổng số tiền hơn 88 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng mới 11 ngôi nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 33/QĐ-TTg, ngày 10-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 với tổng trị giá 520 triệu đồng; hỗ trợ mua bò sinh sản cho 27 hộ, trị giá 140 triệu đồng; tổ chức cấp phát 935 thẻ bảo hiểm y tế. Các hội, đoàn thể của xã cũng đã hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn xây dựng 2 căn nhà Tình thương, 5 con bò giống và vốn sản xuất với tổng trị giá hơn 130 triệu đồng…

Việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đã có hiệu quả rõ rệt, giúp nhiều hộ nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Định (thôn 7) từng có hoàn cảnh rất khó khăn: chồng mất sớm, chị phải làm thuê cuốc mướn nuôi hai con nhỏ cùng mẹ già nhưng chỉ đủ sống qua ngày. Năm 2013, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương, chị Định được vay 20 triệu đồng vốn hộ nghèo về đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nắm bắt được hướng phát triển của cây bơ Booth, tích lũy kiến thức từ phương tiện truyền thông và qua các lớp tập huấn do địa phương tổ chức, từ năm 2015 chị Định đã mở được một vườn ươm cây giống, mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 4.000 cây giống. Nhờ chăm chỉ làm ăn, biết sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đến nay gia đình chị Định đã thoát nghèo bền vững, có của ăn của để, xây dựng nhà cửa khang trang. Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Lành (thôn Bình Hòa 3), từ một hộ nghèo quanh năm thiếu trước hụt sau đến nay đã thoát nghèo nhờ được vay 30 triệu đồng của Hội Liên hiệp Phụ nữ thông qua Quỹ tín dụng tiết kiệm, Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư vào chăn nuôi bò kết hợp trồng trọt.

Bà Phạm Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho biết: Tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 8,5% năm 2015 đến nay đã giảm xuống còn 4,6%, bằng mức bình quân chung của thị xã. Đời sống của người dân từng bước được nâng lên, có điều kiện đóng góp nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Để công tác giảm nghèo mang tính bền vững, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Bình Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về giảm nghèo, động viên các hộ nghèo khắc phục khó khăn để tự lực vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, tiếp tục lồng ghép, ưu tiên cho hộ nghèo, hộ khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế; thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tranh thủ nguồn lực từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước…

Ninh Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.