Khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng ở các dự án
Hiện nay, tại hầu hết các dự án nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, các chủ dự án đang gặp khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trước nạn khai thác gỗ, phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 84 dự án, trong đó có 45 dự án trồng rừng, cải tạo, quản lý, bảo vệ rừng và dự án nông lâm nghiệp khác với tổng diện tích 37.503,26 ha (có 32 dự án đã được phép triển khai thực hiện, 11 dự án đang thực hiện các bước khảo sát xây dựng dự án, 2 dự án đang lập thủ tục thu hồi do vi phạm); 30 dự án trồng cao su với tổng diện tích 21.083,1 ha (có 28 dự án đươc phép triển khai thực hiện, 1 dự án đang khảo sát, 1 dự án đang lập thủ tục thu hồi đất do vi phạm); 9 dự án chăn nuôi bò với diện tích 5.228,72ha (có 3 dự án được phép triển khai, 4 dự án đang khảo sát, 2 dự án đã thu hồi chủ trương).
Theo Sở NN-PTNT, việc cải tạo rừng, chuyển đổi rừng vào mục đích khác đang tạm dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do đó ngoài diện tích quy hoạch quản lý, bảo vệ rừng (phải quản lý, bảo vệ rừng như là nhiệm vụ công ích kèm theo dự án), các chủ dự án đã được phép triển khai phải đầu tư kinh phí quản lý, bảo vệ cả những diện tích thuộc quy hoạch cải tạo rừng chưa được triển khai theo dự án trong thời gian dài, trong khi tại nhiều dự án chưa có nguồn thu dẫn đến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong công tác này.
Mô hình kinh tế nông lâm kết hợp trồng tếch với cây ăn quả có múi tại dự án khoanh nuôi, trồng và bảo vệ rừng của Doanh nghiệp tư nhân Phan Thuấn (ở xã Ea Bung, huyện Ea Súp). |
Chỉ tính riêng tại 11 dự án trồng rừng, cải tạo rừng đã được UBND tỉnh cho phép triển khai với tổng diện tích 6.266 ha, trong đó quy hoạch quản lý, bảo vệ rừng là 985 ha, cải tạo rừng tự nhiên 4.806 ha, trồng rừng trên đất trống 304 ha, đất sử dụng cho mục đích khác 171 ha. Theo quy hoạch, thì rừng tự nhiên các dự án trên phải khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ là 985 ha (chiếm 15,7%), nhưng hiện nay với việc dừng cải tạo rừng nên diện tích mà các chủ dự án đang phải quản lý, bảo vệ là 4.893 ha rừng (chiếm 78%), đây thực sự là một gánh nặng cho các chủ dự án.
Ông Phạm Văn Tư - Phó Giám đốc Công ty TNHH 27-7 cho biết, đơn vị được UBND tỉnh cho thuê 783,4 ha rừng tại xã Ea Bung (huyện Ea Súp) để trồng, cải tạo và quản lý, bảo vệ rừng nhưng hiện nay việc cải tạo rừng đang phải dừng lại theo chủ trương chung. “Để quản lý, bảo vệ diện tích rừng trên, công ty thuê 4 bảo vệ, mỗi tháng phải trả khoảng 4 triệu đồng/người, trong khi dự án chưa có nguồn thu nên các thành viên phải bỏ tiền túi để trả. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ hết sức khó khăn cho công ty. Mong muốn lớn nhất của công ty hiện nay là được trồng xen cây keo và cây tếch vào những diện tích rừng nghèo để tạo nguồn thu, nhưng vẫn đang chờ”, ông Tư bày tỏ.
Tính đến thời điểm hiện tại, các dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trồng được khoảng 11.000 ha rừng, cây ăn quả và mía giống, 7.407 ha cao su, xây dựng chuồng trại nuôi khoảng 1.700 con bò; giải quyết việc làm cho hơn 3.500 lao động. |
Tương tự, Công ty Cổ phẩn sản xuất và thương mại Kỳ Nam Việt được UBND tỉnh cho thuê 350 ha rừng và đất lâm nghiệp ở xã Cư Klông (huyện Krông Năng) để trồng rừng, phát triển rừng và trồng cây dược liệu dưới tán rừng từ năm 2015. Trong những năm qua, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, công ty chú trọng triển khai lực lượng chuyên trách phối hợp với địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. “Để quản lý, bảo vệ diện tích rừng này, công ty phải chi hơn 1 tỷ đồng/năm, vì thế sẽ rất khó khăn cho đơn vị khi phải duy trì khoản chi này lâu dài và không có sự hỗ trợ của Nhà nước”, bà Ngô Thị Hải, Giám đốc Công ty cho hay.
Rừng tự nhiên tại Dự án trồng cao su, trồng rừng quản lý, bảo vệ rừng của Công ty TNHH Anh Quốc ở xã Cư M’lan (huyện Ea Súp) bị chặt phá tràn lan (Dự án này đã bị tỉnh thu hồi vào đầu năm 2017 do vi phạm pháp luật về đất đai). |
Cùng chung cảnh ngộ, tại các dự án trồng thí điểm cao su ở huyện Ea Súp đến nay ngoài diện tích trồng cao su thí điểm 100 ha thì những diện tích quy hoạch trồng cao su còn lại không được chuyển đổi cải tạo rừng tự nhiên nghèo, nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp nên các chủ dự án cũng đang đối mặt với không ít khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ rừng.
Trong khi nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng có hạn thì tình trạng khai thác, chặt phá rừng, bao chiếm đất rừng trái phép diễn ra phức tạp ở đa phần các dự án. Thống kê sơ bộ cho thấy, diện tích rừng tại các dự án đã giảm 2.117,8 ha. Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT, để lập lại an ninh rừng tại các vùng dự án, UBND tỉnh đã chỉ đạo các chủ dự án tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; lực lượng chức năng địa phương ở những nơi có dự án tăng cường phối hợp xử lý kịp thời các hành vi khai thác, phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, đồng thời đã có kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu điều chỉnh chính sách cho phù hợp với đặc thù của địa phương. Trong đó, nếu dừng hẳn việc cải tạo rừng khộp, chuyển đổi rừng nghèo, nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp thì Nhà nước cần ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để tổ chức công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc