Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Cư Kuin nỗ lực phát triển kinh tế

10:45, 28/10/2018

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cư Kuin có 10.184 hội viên sinh hoạt tại 113 chi hội phụ nữ. Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện đã đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gắn với thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và phong trào “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới”; tăng cường các hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia sản xuất, phát triển kinh tế.

Cụ thể, từ đầu năm 2018 đến nay, Hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện gần 63 tỷ đồng cho 2.705 hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã vận động hội viên tham gia tiết kiệm tại chi hội được gần 500 triệu đồng cho gần 500 hội viên, phụ nữ nghèo vay vốn; trao vốn khởi sự kinh doanh cho 15 chị với số tiền 393 triệu đồng. Ngoài ra, các hội viên còn giúp nhau gần 700 ngày công, 1.100 con giống, 2.345 cây giống. Song song với đó, các cấp Hội đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông tổ chức 8 buổi tập huấn với gần 500 hội viên phụ nữ tham gia về cách phòng, chống bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; chuyển giao khoa học kỹ thuật; cơ cấu, giống mùa vụ; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất… Nhờ được động viên, hỗ trợ, giúp đỡ, nhiều hội viên, phụ nữ đã phát huy vai trò chủ thể, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Gia đình chị Nguyễn Thị Mai (thôn 3, xã Ea Tiêu) có thu nhập ổn định từ việc trồng hoa.
Gia đình chị Nguyễn Thị Mai (thôn 3, xã Ea Tiêu) có thu nhập ổn định từ việc trồng hoa.

Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Mai (Chi hội Phụ nữ thôn 3, xã Ea Tiêu) triển khai thực hiện mô hình trồng hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình chị có 2,7 sào cà phê song cà phê ngày càng già cỗi, cho năng suất thấp. Năm 2000, chị quyết định nhổ bỏ cà phê chuyển sang trồng hoa cúc và hoa hồng Pháp. Do có kinh nghiệm trồng hoa nên vườn hoa của gia đình chị phát triển tốt, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương mà còn cung cấp cho thị trường hoa ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh... với thu nhập ổn định gần 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình chị còn giải quyết việc làm cho 4 - 5 lao động tại địa phương với thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Huyện Cư Kuin hiện có 26 mô hình kinh tế do hội viên phụ nữ đảm nhận có thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên. Đồng thời, từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 20 hộ do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo.

Một điển hình khác là mô hình chăn nuôi và trồng trọt theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch của gia đình chị Nguyễn Thị Vinh, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn 1, xã Ea Bhốk. Trước đây, gia đình chị Vinh rất khó khăn, dù quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng đói nghèo, thiếu thốn vẫn cứ đeo bám. Sau khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cũng như tìm hiểu trên sách báo, chị quyết định nuôi gà ấp trứng và nuôi gà thịt theo hướng chăn nuôi sạch. Chị đầu tư 70 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua 2.000 gà giống, trong đó có 500 con gà nuôi lấy trứng ấp. Nhờ chăm chỉ, cần cù cũng như tuân thủ các biện pháp cách chăm sóc, phòng bệnh nên đàn gà của gia đình chị luôn phát triển khỏe mạnh. Chị Vinh thực hiện phương pháp cho gà ấp trứng luân phiên, trung bình từ 3 -  4 ngày nở một phiên và sau 10 ngày thì xuất chuồng với giá bán 12.000 đồng/con. Có nguồn thu từ bán gà giống, năm 2014 gia đình chị đầu tư 2 lò ấp trứng tự động để cung cấp nguồn gà giống ra thị trường. Ngoài ra, chị còn nuôi gà thả vườn với số lượng từ 1.500 - 2.000 con, gà được thả vườn trên diện tích 1 ha và được ăn thức ăn từ lúa, ngô, phụ phẩm nông nghiệp và cỏ trong vườn. Ngoài ra, gia đình chị còn chăm sóc 1,5 ha hồ tiêu, mỗi năm thu hoạch gần 7 tấn tiêu. Hiện nay, mô hình kinh tế của gia đình chị Vinh cho thu nhập mỗi năm gần 400 triệu đồng.

Mỹ Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.