Chợ truyền thống ở nông thôn: Sức mua dịp Tết tăng chậm
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, hàng hóa bày bán phong phú, bắt mắt, không khí Tết hiện diện khắp nơi. Tuy nhiên, ở nhiều chợ truyền thống tại các huyện, sức mua chưa thật sự nhộn nhịp.
Sức mua tăng chậm...
Chợ Phước An (huyện Krông Pắc) có 400 tiểu thương kinh doanh cố định. Hàng trăm gian hàng bày bán hàng hóa với đủ chủng loại, giá cả nhưng khách mua hàng không nhiều. Chị Cao Thị Ấn, tiểu thương ở chợ cho hay, đã sau ngày 10 tháng Chạp rồi mà tiểu thương như chị lại khá... rảnh rang! Người dân dường như không vội vàng sắm Tết và không chịu chi cho Tết nhiều như những năm trước đây. Sức mua có tăng nhẹ so với ngày thường nhưng tính ra chỉ bằng một nửa so với cùng thời điểm năm ngoái. Tương tự, chị Phan Thị Yến, chủ sạp tạp hóa cho hay, mọi khi giờ này chợ đã nhộn nhịp lắm rồi, nhưng năm nay, người bán vẫn nhiều hơn người mua. Hàng hóa được chị chất đầy ki-ốt, song sức mua từng ngày nhích lên rất chậm.
Theo Ban quản lý chợ Phước An, thời điểm này, hàng hóa đổ về chợ đã nhiều và mỗi ngày lại tăng lên đáng kể. Lượng người đến chợ tăng gấp đôi vào dịp cuối tuần, nhưng sức mua chỉ tăng khoảng 10%.
Tương tự, ở chợ Trung tâm huyện Ea H’leo, không khí mua sắm chưa được tấp nập dù hàng hóa Tết bày bán đã khá nhiều. Tại khu vực nhà lồng của chợ, quần áo thời trang bày biện đầy trên các móc treo, kèm theo bảng giảm giá nhưng lượng người mua vẫn không nhiều. Chị Ngô Thị Hoa, tiểu thương bán quần áo cho hay, mọi năm quần áo luôn là mặt hàng đón khách sớm nhất, năm nay, đến giờ này vẫn chưa thấy sức mua có dấu hiệu tăng đột biến. Mùa Tết năm ngoái, sức mua đã thấp rồi, năm nay chưa dám kỳ vọng sẽ khấm khá hơn.
Hàng hóa vẫn chờ... người mua. |
Nói về nguyên nhân dẫn đến sức mua chưa tăng cao, theo nhiều tiểu thương, giá nông sản hạ khiến việc sắm Tết của người dân cũng trở nên buồn theo! Nhất là cà phê vụ thu hoạch vừa xong, nhiều nông hộ mất mùa, lại thêm giá hạ nên việc sắm Tết cũng trở nên đơn giản hơn. Chính việc giá nông sản hạ, giá cà phê chưa có dấu hiệu lạc quan khiến không khí mua sắm trong những ngày cận Tết năm nay bớt đi sự tấp nập, dù nguồn cung ứng hàng hóa vẫn dồi dào, đa dạng.
Nhiều cách thu hút khách hàng
Ghi nhận tại nhiều chợ trong tỉnh, hàng hóa Tết vẫn đang chờ người mua. Khách hàng có tăng so với ngày thường, tuy nhiên chưa thấy có dấu hiệu đột biến. Sức mua đang nhích lên một cách chậm rãi, tiểu thương theo đó cũng không dám dự trữ lượng lớn hàng để bán Tết như mọi năm mà hết đến đâu nhập hàng đến đó.
Theo khảo sát của phóng viên tại một số chợ truyền thống ở huyện Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ, Krông Pắc, Ea Kar... đến thời điểm này, giá cả hàng hóa vẫn giữ ổn định, giá các loại hạt, bánh, mứt vẫn không tăng so với tết năm ngoái. Giá hạt dưa đang nằm ở mức 80.000-100.000 đồng/kg - tùy loại; các loại mứt có giá 70.000-180.000 đồng/kg - tùy loại. Về thực phẩm tươi sống thì rau, củ, quả vẫn giữ giá như ngày thường. Thậm chí, một số loại thịt như thịt heo còn giảm so với trước đây. Cụ thể, thịt đùi, ba chỉ có giá 85.000 đồng/kg, sườn heo 100.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng so với trước.
Gian hàng quần áo tại chợ Phước An khá vắng vẻ. |
Theo nhiều tiểu thương, hàng hóa vẫn giữ giá cho đến hiện tại, song vẫn chưa thể nói trước được về mãi lực mùa Tết năm nay. Bởi, mấy năm trở lại đây, người dân có xu hướng sắm Tết trễ hơn và thường đổ dồn ồ ạt vào những ngày cuối. Vì thế, họ vẫn hy vọng sức mua sẽ tăng bật từ sau ngày 20 tháp Chạp trở đi. Chị Trần Thị Anh, tiểu thương chợ Phước An (huyện Krông Pắc) cho hay, từ sau Noel đến nay, việc tiêu thụ hàng hóa khá chậm, có thể chưa phải là thời điểm nở rộ của sức mua dịp Tết vì giá cà phê hạ, người dân chưa muốn sắm Tết sớm. Chị hy vọng và tin tưởng khách đổ về chợ sẽ đông vào những ngày sắp tới.
Tuy nhiên, có một thực tế là chợ truyền thống, nhiều tiểu thương kinh doanh đang phải chật vật cạnh tranh với các kênh mua sắm hiện đại, tiện ích và có nhiều chương trình khuyến mãi, bình ổn giá tết. Để giải bài toán cạnh tranh và hút khách về phía mình, nhiều tiểu thương cho hay, họ cũng trở nên chỉn chu và “khó tính” hơn trong việc chọn hàng để bán, đặc biệt chú trọng đến nguồn gốc, xuất xứ, an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, hạn chế tình trạng nói thách, hét giá nhằm giữ chân khách hàng...
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc