Ứng dụng tưới tiết kiệm cho cây trồng cạn ở Tây Nguyên: Vướng ở đâu?
Ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước đang được xem là giải pháp đột phá cho cây trồng cạn ở vùng Tây Nguyên trong bối cảnh thời tiết ngày càng nóng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ áp dụng tưới tiết kiệm ở Tây Nguyên vẫn thấp hơn so với các vùng khác.
Bộ NN-PTNT cho biết, theo quy hoạch phát triển nông nghiệp vùng Tây Nguyên, đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, diện tích của cà phê là 542.500 ha, hồ tiêu 17.500 ha, cao su 280.000 ha, điều 30.500 ha, rau đậu 110.000 ha. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Trồng trọt, thực trạng gieo trồng hiện nay đã vượt xa so với quy hoạch (trừ cây cao su). Cụ thể: Cà phê trên 622.000 ha, hồ tiêu trên 91.000 ha, cao su trên 246.000 ha, điều trên 81.000 ha, rau đậu trên 161.000 ha. Do đó, để phục vụ cấp nước cho nông nghiệp và các ngành kinh tế khác, ứng phó với hạn hán, Tây Nguyên đã đầu tư xây dựng hàng nghìn công trình thủy lợi.
Đến nay trên địa bàn Tây Nguyên có khoảng 2.360 công trình thủy lợi (1.190 hồ chứa, 970 đập dâng, 130 trạm bơm và 70 công trình khác) được xây dựng, với diện tích tưới thiết kế trên 288.000 ha (gần 24% diện tích canh tác). Song trên thực tế, các công trình thủy lợi chỉ đáp ứng tưới khoảng 21% diện tích canh tác, phần lớn diện tích còn lại được tưới từ các nguồn nước khác (nước mặt sông/suối, nước ngầm...) và tưới theo phương pháp truyền thống vẫn là biện pháp phổ biến trong vùng. Chính vì vậy, tình trạng thiếu nước và hạn hán là vấn đề khá nan giải mà hầu như năm nào Tây Nguyên cũng phải đối mặt.
Nông dân áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trên vườn tiêu ở xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn). |
Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2015, Bộ NN-PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Theo đó, đến năm 2017, cả nước có 200.000 ha và năm 2020 có 500.000 ha cây trồng cạn chủ lực được tưới bằng công nghệ, kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước nhằm nâng cao năng suất, giảm lượng nước tưới và tăng thu nhập của người dân. Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, diện tích cây trồng cạn được áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên cả nước trong giai đoạn I là khoảng 270.000 ha, vượt gần 40% so với kế hoạch đặt ra.
Đứng thứ 2 cả nước sau vùng Đông Nam Bộ về diện tích cây trồng cạn, vùng Tây Nguyên là nơi đòi hỏi áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước rất lớn so với các vùng khác, nhưng diện tích được áp dụng công nghệ này hiện chỉ khoảng 78.000 ha. Tại Đắk Lắk, hiện mới có trên 7.000 ha cây trồng cạn được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, đạt 70,7% kế hoạch đề ra (kế hoạch là 10.000 ha đến năm 2020), trong đó có trên 5.451 ha cà phê, 317 ha tiêu, 400 ha cây ăn quả, 900 ha cây cao su. Tuy nhiên, so với tổng diện tích canh tác (282.087 ha) thì diện tích cây trồng cạn được tưới bằng công nghệ tiết kiệm nước chỉ chiếm 2,51%.
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, diện tích cây trồng cạn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm ở vùng Tây Nguyên so với nhu cầu là rất thấp, việc phát triển tưới tiết kiệm ở một số nơi còn thiếu bền vững làm giảm hiệu ứng lan tỏa. Nguyên nhân là do nhận thức của một số người dân còn chưa đầy đủ, công tác tuyên truyền, phổ biến ở nhiều địa phương chưa được thường xuyên. Trong khi đó, giá thành công nghệ, thiết bị tưới còn cao so với thu nhập của phần lớn nông dân, đầu ra của nông sản lại bấp bênh khiến người dân chưa mặn mà đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho các cây trồng chủ lực còn rất chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; việc lồng ghép tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong các quy hoạch thủy lợi chi tiết ở các địa phương chưa được quan tâm đúng mức; việc xây dựng và nhân rộng mô hình còn diễn ra rất chậm…
Hệ thống tưới nước tiết kiệm được người dân trên địa bàn huyện Cư Kuin áp dụng trên vườn cà phê. |
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho rằng, không thể phủ nhận việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước có vai trò rất ý nghĩa trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay. Khi áp dụng tưới tiết kiệm, sẽ giúp nông dân giảm chi phí xuống 20% và tăng năng suất cây trồng từ 10 - 15%, đồng thời giảm chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động và tăng thu nhập cho nông dân. Hiện Tổng cục đang giao cho các cơ quan khoa học và đơn vị liên quan hoàn thiện quy trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các loại cây trồng cạn nói chung, trong đó có các loại sổ tay hướng dẫn để người dân áp dụng. Đối với các địa phương, trên cơ sở những chính sách đã có của Chính phủ hiện nay, cần sớm tổ chức triển khai áp dụng cũng như ban hành một số cơ chế hỗ trợ để tạo điều kiện cho người dân áp dụng công nghệ này.
Theo ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, mặc dù việc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đã được chính quyền các địa phương quan tâm, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về cơ chế tài chính khuyến khích doanh nghiệp và người dân áp dụng mô hình. |
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc