Multimedia Đọc Báo in

Bơ Booth liên tục mất mùa: Nông dân "mạo hiểm" ghép chồi giống khác

08:41, 27/06/2019

Mấy năm gần đây, cây bơ Booth được đưa vào trồng nhiều nhưng một hai năm vừa qua liên tục xảy ra hiện tượng rụng hoa, rụng quả dẫn đến tình trạng mất mùa. Một số nông dân chặt bỏ trồng cây khác nhưng một số người có "sáng kiến" cưa cây ghép chồi giống bơ khác.

Anh Trương Minh Hiếu (thôn 6, xã Ea Ngai, huyện Krông Búk) có 2 sào đất trồng thuần 50 cây bơ Booth vào năm 2016. Hai năm sau, vườn cây bắt đầu cho trái bói nhưng số lượng ít, chỉ để ăn chứ chưa có bán. Năm 2019 vườn bơ bước vào thời kỳ cho thu chính, cây ra hoa rất nhiều nhưng đột nhiên rụng trắng cả gốc; số hoa đậu thành trái cũng rụng dần, trên cây chỉ còn vài quả thậm chí có cây không có quả nào.

Anh Hiếu cho hay, bơ Booth xuất xứ từ nước ngoài nên rất “mẫn cảm” với sự thay đổi của thời tiết. Bơ thường ra hoa, đậu quả vào tháng ba, tháng tư, thời gian này Đắk Lắk đang trong mùa khô nên cây bơ không đủ nước để sinh trưởng. Khi mùa mưa đến, cây bất ngờ tiếp nhận một lượng lớn nước khiến cây bị “sốc nhiệt” gây nên hiện tượng rụng hoa, quả hàng loạt. Biết thời tiết “khắc” với giống bơ Booth nên anh Hiếu quyết định chuyển giống bơ khác.

Anh dùng kỹ thuật ghép cải tạo cây bơ nhằm đổi giống bơ năng suất chất lượng hơn mà không cần đốn bỏ gốc cây có sẵn để giảm bớt chi phí, thời gian chăm sóc. Giống bơ mới anh chọn ghép là Ta 21, bơ Thành Bích, bơ 034. Để có chồi ghép, anh Hiếu đặt mua ở các điểm bán giống cây trồng với giá dao động từ 5.000 - 7.000 đồng/chồi. Do không nắm vững kỹ thuật ghép chồi nên anh Hiếu thuê người ghép cho an tâm. Anh cũng không ghép cải tạo hết cả cây mà giữ lại vài cành bơ Booth để đối chứng hiệu quả giữa các giống bơ.

Vườn bơ Booth gia đình anh Trương Minh Hiếu năm nay không có trái.
Vườn bơ Booth gia đình anh Trương Minh Hiếu năm nay không có trái.

Không chỉ bơ mới trồng mà vườn cây trên 5 năm tuổi cũng bị rụng hoa, rụng quả liên tục. Anh Phạm Văn Vinh (thôn 4, xã Ea Ngai) cho hay, nhà có 6 sào bơ chủ yếu là bơ Booth trồng xen với cà phê. Trước đây, vườn bơ rất sai trái, nhưng 2 năm nay lại liên tiếp mất mùa. Anh tính nhổ đi trồng lại, nhưng tiếc nên chọn cách ghép chồi giống khác. Anh Vinh chia sẻ, kỹ thuật ghép chồi bơ cải tạo khá phức tạp bởi mỗi cây có kích thước to - nhỏ, kiểu dáng khác nhau, khi ghép phải dựa vào thế cây, độ tuổi của cây để chọn cách ghép phù hợp. Với gốc bơ đã to, nhiều cành, anh Vinh chọn cách ghép đóng đầu cành.

Quy trình ghép kể ra thì dài dòng, nhưng có thể tóm gọn gồm: Dùng cưa cắt ngang cành; rạch vỏ cây ở phần cần ghép sau đó tách vỏ, dùng dao nhọn vót nhọn hình chữ V; tiếp đến đặt chồi vào phần vừa gọt, sử dụng dây nilon quấn quanh vết cắt, vết cưa, thân chồi thật kỹ để ngăn không cho nước thấm vào. Ghép được 20 - 25 ngày, chồi mới ghép sẽ bắt đầu nhận dinh dưỡng từ cây chính, lúc đó ta gỡ bỏ phần bao nilon. Mỗi gốc ghép có đường kính, thân cành khác nhau nên sử dụng số lượng chồi ghép cũng khác nhau từ 2 - 5 chồi và số chồi này cũng cần phân bố đều trên cành. Khi ghép, nên chọn ghép một giống bơ/cây, không nên chọn nhiều vì mỗi giống bơ có thời điểm ra hoa kết trái khác nhau. Thời gian để gốc ghép cải tạo ra hoa đậu quả thường từ 1 - 2 năm.

Anh Trương Minh Hiếu dùng phương pháp ghép đóng đầu cành để cải tạo cây bơ.
Anh Trương Minh Hiếu dùng phương pháp ghép đóng đầu cành để cải tạo cây bơ.

Theo bà Phạm Thị Triệu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ngai, trên địa bàn hiện có trên 15 nghìn cây bơ trồng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu. Người dân trồng nhiều giống bơ khác nhau song phổ biến nhất là bơ Booth. Giống bơ này trồng không khó nhưng lo nhất là thời điểm ra hoa đậu quả, chỉ cần thời tiết thay đổi thất thường là rụng hoa, quả ngay. Do bơ Booth liên tiếp mất mùa nên người dân trong xã đã cưa cành ghép các giống bơ mới vào. Khả năng thích ứng, hiệu quả của phương pháp ghép chồi như thế nào thì chưa đánh giá được vì phải đợi các gốc ghép ra trái.

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.