Multimedia Đọc Báo in

Phát triển du lịch ở Krông Bông: Chưa tương xứng với tiềm năng

08:19, 01/06/2019

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bề dày lịch sử, huyện Krông Bông có nhiều thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch. Thế nhưng ngành Du lịch trên địa bàn gần như vẫn “dẫm chân tại chỗ” do nhiều nguyên nhân.

Huyện Krông Bông được “thiên phú” nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và thơ mộng như Vườn Quốc gia Chư Yang Sin với 50 ngọn núi cao, thấp khác nhau (đỉnh cao nhất 2.442 m), nhiều sườn dốc, thảm rừng mênh mông cùng đa dạng hệ thống sông suối, thác ghềnh đan xen. Các ngọn thác như Krông Kmar, Ea Kha, Yang Hanh, suối Thanh Niên... mang nhiều nét hoang sơ, hấp dẫn. Krông Bông còn là nơi lưu giữ Di tích lịch sử Hang đá Đắk Tuar ghi dấu phong trào hoạt động cách mạng của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk thời kháng chiến.

Hang đá Đắk Tuar được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử từ năm 1991, hiện đã được tôn tạo để người dân có thể đến tham quan. Đây cũng là địa điểm có cảnh quan đẹp, nổi bật với suối Đắk Tuar và quần thể cây rừng nguyên sinh có thể phát triển du lịch sinh thái. Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, Krông Bông còn là vùng đất giàu bản sắc của cộng đồng 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu. Với nhiều tiềm năng, lợi thế như vậy, Krông Bông có thể phát triển các loại hình du lịch như: sinh thái, tham quan nghiên cứu, mạo hiểm… Tuy nhiên, ngành Du lịch của huyện vẫn gặp không ít trở ngại, không thu hút được du khách.

Phong cảnh thơ mộng ở vùng đất Hố Kè (xã Hòa Lễ).
Phong cảnh thơ mộng ở vùng đất Hố Kè (xã Hòa Lễ).

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Bông, số lượng khách và doanh thu từ dịch vụ du lịch hằng năm trên địa bàn huyện tăng không đáng kể. Nếu năm 2009, lượng khách đạt khoảng 30.000 lượt, doanh thu 600 triệu đồng thì đến năm 2018 mới chỉ đạt trên 31.000 lượt khách, doanh thu trên 1,2 tỷ đồng. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do địa phương thiếu trầm trọng nguồn lực đầu tư cho hoạt động du lịch. Ngoài những khó khăn mang tính “truyền thống” như nền kinh tế chung của huyện còn chậm phát triển, đường sá đi lại khó khăn thì còn có sự yếu kém trong khả năng quản lý, điều hành và phát triển các dịch vụ du lịch của đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch trên địa bàn. Cùng với đó là những vướng mắc về cơ chế mà điển hình là việc phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm vốn rất có tiềm năng phát triển ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin nhưng không thể khai thác theo ý muốn.

 
“Dù có nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên nhưng đến nay toàn huyện mới chỉ có một điểm du lịch được đầu tư phát triển là thác Krông Kmar do điều kiện kinh tế của huyện còn gặp nhiều khó khăn, chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và sản phẩm du lịch có tính đặc thù riêng của huyện...”.
 
Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long

Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, để khai thác tiềm năng và phát triển ngành Du lịch trên địa bàn, UBND huyện đã đề nghị tỉnh quan tâm về công tác xúc tiến đầu tư, xem xét giới thiệu nhà đầu tư vào các dự án về phát triển du lịch của huyện như: Khu du lịch sinh thái Hồ Yang Reh, Khu du lịch sinh thái Thác Đắk Tuar; Khu du lịch Suối Thanh Niên… Đồng thời tham mưu Huyện ủy ban hành nghị quyết về phát triển du lịch trên địa bàn.

Thực tế là cùng với nỗ lực của địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có những hỗ trợ nhất định. Chẳng hạn, thành lập đoàn khảo sát thực tế tại một số điểm du lịch tiềm năng trên địa bàn huyện Krông Bông như: Khu Di tích lịch sử Hang đá Đắk Tuar; nhà ở của Anh hùng liệt sỹ Y Ơn Niê tại buôn Đắk Tuôr (xã Cư Pui); khảo sát tiềm năng du lịch cộng đồng tại buôn Ja, xã Hòa Sơn; thác Krông Kmar, suối Thanh Niên… nhằm giới thiệu đến các đơn vị lữ hành để đưa khách đến các tuyến điểm du lịch trên, đồng thời kêu gọi đầu tư đối với các tuyến điểm du lịch có khả năng phát triển để thu hút du khách.

Buôn Ja, xã Hòa Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Trong ảnh: Phụ nữ buôn Ja còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Êđê.
Buôn Ja, xã Hòa Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Trong ảnh: Phụ nữ buôn Ja còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Êđê.

Thế nhưng, đa phần du khách đến Krông Bông đều tỏ ra tiếc nuối khi không tìm được những sản phẩm dịch vụ đi kèm tương xứng với cảnh quan thiên nhiên nơi đây. Do đó, để có những chuyển biến rõ nét, khai thác tốt tiềm năng về du lịch trên địa bàn thì ngoài xúc tiến, hỗ trợ cho các doanh nghiệp thâm nhập, đầu tư vốn vào các điểm du lịch, việc nâng cao hình ảnh của du lịch Krông Bông cần được đẩy mạnh hơn nữa. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chương trình quảng bá du lịch để tiếp cận, mở rộng thị trường và kết nối các tour đưa khách đến Krông Bông. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần đề ra những giải pháp căn cơ trong phát triển du lịch của huyện nhà, chủ động đề xuất, kêu gọi đầu tư, đồng thời nâng cao trình độ, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ công tác trong ngành Du lịch và thường xuyên làm mới các dịch vụ du lịch hiện có để thu hút du khách…

Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc