Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình nhà kính sấy khô bún, miến, phở

09:28, 01/08/2019

Trước đây, cũng như nhiều hộ dân sản xuất bún, miến, phở khác tại địa phương, gia đình anh Hà Văn Tuyên (tổ dân phố 7, phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) chủ yếu thực hiện các công đoạn sản xuất thủ công rất vất vả.

Dù được làm từ loại gạo ngon, dai nhưng do vẫn phải phơi ngoài trời nên sản phẩm bún, miến khô khó tránh khỏi bụi bặm và rủi ro bởi vi sinh vật có hại xâm nhập gây hư hỏng, chưa kể mưa nắng thất thường phải mang ra, mang vào rất tốn công sức.

Đầu năm 2019, anh Tuyên đi tham quan học tập mô hình nhà kính (có công dụng sấy khô các sản phẩm) của Công ty Đăng Phong tại khu công nghiệp Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) do Đảng ủy và UBND phường Khánh Xuân tổ chức. Sau chuyến tham quan, được địa phương hỗ trợ một phần kinh phí (hơn 30%), anh Tuyên quyết định đầu tư xây dựng khu nhà sấy bún, miến, phở; có thay đổi một chút về kết cấu, sáng tạo cho phù hợp hơn với thực tế.

Để xây dựng khu nhà lưới vừa giảm chi phí, vừa khắc phục độ ẩm không khí bảo đảm chất lượng sản phẩm, anh Tuyên đã có sáng kiến xây dựng cao chừng 3 m, thiết kế các tầng gác bún, miến, phở phơi khô. Phần dưới chân của các bức vách khu nhà kính, anh dùng lưới ô nhỏ thay cho màng ni lông cùng các quạt hút gió trên mái che, vừa đảm bảo nhiệt độ, vừa thông thoáng. Khu nhà sấy còn có chức năng che mưa, ngăn côn trùng gây hại (ruồi, nhặng) và hạn chế các vi sinh vật bên ngoài xâm nhập; giảm công lao động phải di chuyển sản phẩm trong mùa mưa bão.

Lãnh đạo UBND thành phố và Đảng ủy phường Khánh Xuân thăm mô hình nhà sấy bún, miến, phở  của gia đình anh Hà Văn Tuyến.
Lãnh đạo UBND thành phố và Đảng ủy phường Khánh Xuân thăm mô hình nhà sấy bún, miến, phở của gia đình anh Hà Văn Tuyến.

Hiện nay, với khu nhà sấy diện tích 65 m2 (chi phí xây dựng chỉ 24 triệu đồng), mỗi ngày gia đình anh Tuyên sản xuất và sấy khô bình quân 200 kg bún, miến, phở khô, tương đương với 6 tấn bún, miến/tháng; sau khi trừ chi phí đầu tư và công lao động, gia đình anh lãi khoảng 150 triệu đồng/năm, tăng hơn 22 triệu đồng/năm so với khi chưa có nhà sấy. Đặc biệt, nước gạo được thải ra từ quá trình làm bún miến được tận dụng để nuôi khoảng 100 con heo rừng lai/năm (tương đương 2,5 tấn heo hơi), đem lại tổng thu nhập của gia đình trong năm là 240 triệu đồng.

Nhờ quá trình sấy khô bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên sản phẩm bún, miến khô của gia đình anh Tuyên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Anh Tuyên dự định trong thời gian tới khi đầu ra ổn định hơn, gia đình anh sẽ đầu tư mở rộng khu nhà sấy.

Ông Nguyễn Thế Hậu, Bí thư Đảng ủy phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, mô hình nhà kính sấy khô bún, miến, phở của gia đình anh Tuyên được lấy làm cơ sở phát triển nhân rộng tại địa phương, nhằm tạo sản phẩm truyền thống chất lượng, góp phần phát triển ổn định cụm làng nghề cho nhân dân, tiến tới xây dựng nhãn hiệu, tham gia OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) kết nối du lịch cộng đồng trong thời gian tới theo chủ trương của tỉnh.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.