Multimedia Đọc Báo in

Buôn Xê Đăng đổi thay nhờ có điện

10:16, 05/11/2019

Kể từ khi được sử dụng điện lưới quốc gia vào cuối năm 2017, cuộc sống của người dân buôn Xê Đăng, xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) ngày càng khởi sắc.

Buôn Xê Đăng hiện có 130 hộ, 499 khẩu, trong đó trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây được coi là buôn đặc biệt khó khăn của huyện Cư M’gar. Thời điểm trước năm 2018, người dân trong buôn không có điện phục vụ sinh hoạt và tưới nước cho cây trồng. Không điện, đường, khó khăn bộn bề, nhiều người không trụ nổi đã bỏ đi.

Tháng 12-2017, ngành điện địa phương đã đẩy nhanh tiến độ thi công đưa nguồn điện lưới quốc gia về phục vụ nhu cầu điện sinh hoạt và sản xuất cho người dân trong buôn đúng vào dịp Tết nguyên đán 2018. Kể từ đó cuộc sống của bà con đã hoàn toàn thay đổi.

Công nhân Công ty Điện lực Đắk Lắk lắp bóng điện cho người dân buôn Xê Đăng.
Công nhân Công ty Điện lực Đắk Lắk lắp bóng điện cho người dân buôn Xê Đăng.

Buôn trưởng Triệu Dương Thế nhớ lại, đầu năm 2018, lần đầu tiên nhìn thấy ánh sáng của điện lưới quốc gia, bà con trong buôn ai cũng vui mừng khôn xiết. Ngày đó cũng là dấu mốc bắt đầu cho những đổi thay thấy rõ trên vùng đất này. Bây giờ trong mỗi nhà, bà con đã mua sắm đầy đủ các đồ dùng bằng điện phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng vì thế cũng dễ dàng đến với bà con hơn. Người dân đã yên tâm bám đất, vươn lên làm giàu; kế hoạch, dự định đầu tư vào sản xuất để phát triển kinh tế ấp ủ bấy lâu nay càng có cơ hội thực hiện.

Anh Triệu Tiến Đức (dân tộc Dao) ở buôn Xê Đăng kể, trước đây khi chưa có điện, cuộc sống của người dân trong thôn rất vất vả. Để phục vụ sinh hoạt, nhiều hộ dân tự bỏ tiền ra đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời. Nhưng điện chủ yếu vẫn để thắp sáng, còn các thiết bị như ti vi, tủ lạnh… mua về gặp phải nguồn điện phập phù, chập chờn nên không thể sử dụng được, đành xếp cất ở một góc nhà. Khó khăn nhất vẫn là việc sản xuất, do không có điện, vào mùa khô hạn, nhiều gia đình phải dùng máy nổ bơm nước tưới cà phê, hồ tiêu với chi phí cao.

Từ ngày điện về, bà con có điều kiện đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất. Anh Đức cho hay, bây giờ canh tác thuận tiện hơn nhiều, chỉ cần bật công tơ là máy móc tự động tưới cho vườn cây chứ không phải nổ máy phát như ngày trước. Theo tính toán của anh, với hơn 1.000 trụ tiêu và 1,7 ha cà phê của gia đình, mỗi năm anh phải tưới từ 4-5 đợt. Nếu chạy máy nổ thì một đợt cũng hết tầm 4 triệu đồng tiền dầu, giờ có điện thì chi phí đã giảm đến 60%. Nhờ đó, gia đình anh có thêm khoản tích lũy đáng kể; anh đang tính mở rộng sản xuất, trồng thêm 7 sào cà phê, tiêu để phát triển kinh tế.

Công nhân Công ty Điện lực Đắk Lắk bảo dưỡng đường dây, công tơ điện cho  đồng bào dân tộc thiểu số buôn  Xê Đăng.
Công nhân Công ty Điện lực Đắk Lắk bảo dưỡng đường dây, công tơ điện cho đồng bào dân tộc thiểu số buôn Xê Đăng.

Kinh tế phát triển, bà con trong buôn Xê Đăng động viên con cháu đến trường, theo cái chữ. Hiện việc học của trẻ em ở buôn cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Phân hiệu của Trường Tiểu học Lý Tự Trọng đóng chân tại buôn Xê Đăng nay đã được kéo điện về tận các lớp học. Các em học sinh không còn cảnh chịu tối, chịu nóng để ngồi học. Cô giáo Nguyễn Thị Tình, chủ nhiệm lớp 4A1, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, phân hiệu buôn Xê Đăng chia sẻ, trước đây khi chưa có điện, việc học của các em trong thôn khá vất vả. Ngày nắng thì nóng bức, khó chịu, những hôm buổi chiều gặp trời mưa gió thì trong lớp học tối om, cô trò phải giương mắt mò mẫm theo từng con chữ. Còn kể từ khi có điện đến nay, điều kiện học của các em tốt hơn hẳn, giáo viên thì còn có thể dùng máy tính, máy chiếu, sử dụng công nghệ thông tin để các bài giảng trở nên sinh động, thu hút các em hơn.

Công trình điện ở buôn Xê Đăng đã thúc đẩy căn bản về sản xuất nông nghiệp, tạo sức bật phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Từ chỗ có đến 99 là hộ nghèo, cận nghèo (năm 2017), hiện buôn Xê Đăng giảm còn 84 hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập của người dân cũng tăng đáng kể từ khi có điện.

Theo Công ty Điện lực Đắk Lắk, dự án cấp điện cho buôn Xê Đăng và buôn Jarai, xã Ea Kuêh thuộc Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia (giai đoạn 1) đầu tư cho một số thôn, buôn có nhu cầu cấp thiết về điện, do Sở Công thương làm chủ đầu tư. Quy mô dự án gồm 3 trạm biến áp, 3,37 km đường dây trung áp, 7,3 km đường dây hạ áp.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.