Hiệu quả mô hình sinh kế đồi - rừng ở xã Cư Pui
"Trao cần câu, không trao con cá", các mô hình sinh kế từ chương trình giảm nghèo được thực hiện ở xã Cư Pui (huyện Krông Bông) đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo động lực thúc đẩy các hộ dân phát triển sản xuất, thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Nhiều năm nay, gia đình ông Sùng Minh Phương ở thôn Ea Bar (xã Cư Pui) “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để canh tác 3 ha trồng lúa, ngô, sắn… song do điều kiện canh tác không thuận lợi, chi phí đầu tư cao, năng suất bấp bênh nên gia đình ông cũng chỉ đủ ăn.
Tháng 5-2019, từ nguồn vốn của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, ông Phương được cấp 1.000 cây keo lai để chuyển đổi cây trồng. Ông vay vốn đầu tư thêm 10.000 cây keo lai trồng hết diện tích hiện có. Ông Phương cho biết, trồng cây keo lai sau từ 4 – 5 năm mới cho thu hoạch nhưng chi phí đầu tư thấp (gần 10 triệu đồng/ha đầu tư năm đầu tiên) và không mất nhiều thời gian chăm sóc nên có thể làm thêm những công việc khác để cải thiện thu nhập cho gia đình. Với giá thu mua hiện nay, 3 ha keo lai gia đình ông cũng thu được 150 triệu đồng tiền lãi, đây là nguồn thu không nhỏ.
Nông dân ở xã Cư Pui chăm sóc vườn dứa chuẩn bị cho thu hoạch. |
Là một hộ dân được thụ hưởng từ Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, tháng 8-2018 gia đình bà Hà Thị Hồng (cũng ở thôn Ea Bar) được hỗ trợ 6.000 mắt dứa trồng trên 3 sào đất cà phê già cỗi. Sau khoảng 18 tháng trồng, chăm sóc, năm 2020 vườn dứa đã cho thu hoạch lứa đầu với mức lãi hơn 3 triệu đồng/sào. Bà Hồng cho hay, trồng dứa vất vả 2 năm đầu, còn lại khá nhàn. Hiện thị trường quả dứa cơ bản ổn định, vì vậy hiệu quả kinh tế mang lại khá tốt.
Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm
|
Từ năm 2018 – 2020, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên ở xã Cư Pui đã hỗ trợ người dân trồng 120 ha cây keo. Trong đó, riêng thôn Ea Bar, năm 2020 đã mở rộng trồng hơn 100 ha keo lai. Điều này không chỉ mang lại lợi ích to lớn về kinh tế, việc phát triển rừng trồng ở đây cũng đang góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân nên tình trạng phá rừng tự nhiên để lấy đất sản xuất giảm. Bên cạnh đó, Dự án đã hỗ trợ người dân chuyển đổi đất đồi, đất cằn sang trồng hơn 74 ha dứa, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, Cư Pui là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh, với 90% dân số là người dân tộc thiểu số. Nhờ hỗ trợ của Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, 3 năm qua có 200 ha đất đồi cằn cỗi được người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mô hình đồi - rừng kết hợp: như trồng keo lai, bạch đàn, dứa nếp lai đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Thông qua các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, địa phương đang đẩy mạnh mô hình sinh kế đồi - rừng trên địa bàn nhằm giúp bà con cải thiện thu nhập. "Chúng tôi tạo điều kiện bằng cách hỗ trợ giống, hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách để giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp”, ông Tâm cho biết thêm.
Việc trao sinh kế cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn là để người dân thay đổi thói quen làm ăn, không còn trông chờ ỷ lại. Theo đó, sự hỗ trợ phương tiện, mô hình sinh kế kịp thời đã giúp nhiều gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Mặt khác, thông qua các chương trình, dự án giảm nghèo, phát triển kinh tế rừng - đồi đã tạo ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế ở xã nghèo Cư Pui.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc