Multimedia Đọc Báo in

Hồ tiêu tăng giá: Ai là người hưởng lợi?

06:11, 23/03/2021

Giá hạt tiêu hiện vẫn đang ở mức cao gần gấp đôi so với đầu năm 2021, tuy nhiên đã không còn sự ổn định mà có sự lên xuống thất thường trong ngày. Trạng thái giá “chao đảo” này khiến cả đại lý và nông dân sản xuất rất khó đoán định.

Nông dân mừng nhưng… tiếc

Những ngày gần đây, giá tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tục tăng cao, chạm gần đến mức 80.000 đồng/kg. Đây là mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây và với mức giá này, người trồng tiêu đã có lãi. Tuy nhiên, tiêu giữ giá cao ngay đúng thời điểm đầu vụ, lượng tiêu thu hoạch của năm 2021 chưa nhiều, trong khi đó, sản lượng tiêu cũ còn trong dân rất ít.

Nông dân ở xã Tân Lập (huyện Krông Búk) thu hoạch tiêu.
Nông dân ở xã Tân Lập (huyện Krông Búk) thu hoạch tiêu.

Anh Nguyễn An Thạnh (thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin), Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Hồ tiêu bền vững Đoàn Kết cho hay, CLB có 30 thành viên với tổng diện tích gần 30 ha. Nhìn chung, các thành viên đều bị ảnh hưởng trong thời gian tiêu bị giảm giá sâu nên thu hái được bao nhiêu đều phải bán để trang trải cuộc sống và tái đầu tư vườn cây. Năm nay, giá tiêu tăng cao, mặc dù nông dân rất mừng, nhưng không nhiều nông dân bán được với giá tiêu này vì tiêu cũ đã bán hết, trong khi vụ mới thì đang thu lác đác, một phần do tiêu chưa chín, một phần thuê nhân công khó nên tiến độ thu hoạch có chậm hơn.

Riêng gia đình anh Nguyễn An Thạnh có 1,2 ha tiêu, song tiêu vẫn còn xanh, phải một tuần nữa thu hoạch thì tiêu mới bảo đảm chất lượng. Gia đình anh hiện vẫn còn khoảng 1 tấn tiêu cũ nhưng chưa vội bán vì cũng chưa cần dùng đến tiền nên muốn chờ xem giá có tăng hơn nữa không.

Đang tập trung thu hoạch gần 1 ha tiêu, hộ ông Trần Trọng Hợi (thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) cho biết, năm ngoái gia đình thu hoạch được hơn 6 tấn tiêu cũng đã bán gần hết để tái đầu tư. Thấy giá tiêu tăng, gia đình ông mừng lắm, hiện còn vài tạ nhưng chưa bán ra vì chưa cần dùng tới tiền chứ không phải là giữ chờ giá cao. Hy vọng rằng năm nay giá tiêu sẽ tăng ổn định để nông dân được hưởng lợi trong vụ tiêu mới.

Theo Chủ tịch UBND xã Ea Bhốk Nguyễn Văn Dũng, hiện sản lượng tiêu còn trữ lại trong dân rất ít, vụ mới thì mới thu hoạch được khoảng 15 - 20%. Giá tiêu tăng cao là điều rất mừng cho nông dân ở một xã trồng nhiều tiêu như Ea Bhốk, tuy nhiên số nông dân được hưởng lợi từ giá này không nhiều. Do đó phần lớn nông dân đều kỳ vọng giá tốt sẽ giữ cho đến khi thu hoạch xong để vớt vát lại sau một thời gian dài tiêu giảm giá sâu. Hiện xã cũng chỉ đạo cán bộ nông nghiệp, khuyến nông hướng dẫn bà con thực hiện tốt công tác thu hoạch, chăm sóc, phơi sấy. Đồng thời, chỉ đạo Công an xã tập trung triển khai mạnh công tác bảo đảm an ninh, tránh tình trạng mất cắp hoặc phá hoại khi tiêu tăng giá cao.

Trên thực tế, đây cũng là tình trạng chung của hầu hết nông dân ở các vùng trọng điểm trồng tiêu như huyện Cư Kuin, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Pắc, Ea Kar… Sau gần 4 năm liên tiếp lao dốc, lần đầu tiên giá hồ tiêu khởi sắc trở lại. Người trồng tiêu vui mừng vì mong muốn giá tiêu lại tăng cao đã thành hiện thực, dù không phải nông dân nào cũng được hưởng lợi từ đợt tăng giá này. Với tình hình hiện nay, những người trồng tiêu vẫn kỳ vọng khả năng giá hồ tiêu sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Đại lý vẫn khó mua hàng

Theo các đại lý kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh, giá tiêu dù đang có đà tăng nhưng các giao dịch mua bán bị giảm sút mạnh, đại lý không mua được hàng. Anh Phạm Đắc Túc, Giám đốc Công ty TNHH Như Linh (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) cho hay, bình quân mọi năm vào thời điểm này, mỗi ngày công ty thu gom khoảng 20 - 30 tấn tiêu, nhưng hiện nay, lượng mua vào mỗi ngày chưa đến 10 tấn. Nguyên nhân khiến việc thu gom bị ngưng trệ là do người dân chưa hoàn thành việc thu hoạch; giá tăng cao nên nông dân có tâm lý giữ hàng lại.

Thu mua hồ tiêu tại Công ty TNHH Như Linh (huyện Cư Kuin).
Thu mua hồ tiêu tại Công ty TNHH Như Linh (huyện Cư Kuin).

Tương tự, ông Nguyễn Đình Hải, chủ đại lý nông sản Minh Hải (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) cho biết, giá tiêu đang ở mức cao nhưng lượng hàng tồn kho của đại lý rất thấp. Hồ tiêu được giá, nông dân tiếc, chưa vội bán, chỉ một số người bán rải rác để có tiền trả công thuê hái hoặc trang trải sinh hoạt. Tư thương nhỏ lẻ thì tỏa đi khắp nơi thu gom trong dân rồi “ôm hàng” chờ giá lên. Thành ra, các đại lý… “rảnh rang” dù đang vào chính vụ thu gom hàng.

Hiện giá tiêu trên thị trường không còn ổn định, trong mấy ngày gần đây đang có xu hướng “chao đảo” rất khó lường. Có khi tăng 3, 4 giá trong ngày, nhưng cũng có lúc đã hạ đến 5 giá chỉ trong một buổi. Đơn cử như ngày 18-3, giá tiêu lên “đỉnh”  80.000 đồng/kg - cao nhất trong mấy năm trở lại đây. Mức giá này giữ được đến trưa ngày 19-3 thì đột nhiên hạ xuống còn 75.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Đình Hải, giá tiêu lên cao rồi hạ xuống một lượt trong ngày nên nông dân và các tư thương nhỏ lẻ chưa vội bán. Nhưng thông thường, chỉ cần thêm một vài đợt hạ giá nữa là sẽ có không ít người chọn cách bán tháo chứ không dám "cố thủ" chờ thời nữa.

Có một điều lạ chính nông dân cũng là người… thu mua lại hồ tiêu ở các đại lý. Anh Phạm Đắc Túc thông tin, từ đầu vụ đến giờ, có một số nhà đầu tư là nông dân có tiền nhàn rỗi, tìm đến doanh nghiệp anh hỏi mua tiêu để dự trữ, nhưng doanh nghiệp không có hàng để bán ra. Tương tự tại đại lý của ông Nguyễn Đình Hải mấy ngày qua cũng đã có tình trạng nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm đến mua với số lượng vài chục tấn. Có thể, một số người nhìn thấy cơ hội sinh lời từ hồ tiêu, nên hỏi mua lại đại lý để đầu tư, chờ giá tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, ông Hải cũng khuyến cáo, cán cân cung - cầu về tiêu hiện tại rất khó đoán định. Bản thân ông thu gom nông sản về kho, được giá là “đẩy” liền, nếu có thì cũng chỉ dám trữ một vài ngày rồi bán chứ không dám để lâu vì sợ giá bất ngờ giảm sẽ chịu thiệt hại rất lớn.

Dưới góc nhìn chuyên gia, hiện giá tiêu "chùng xuống" so với tuần trước vài giá là điều dự đoán trước. Ngày 22-3, tại thị trường trong nước đang giao dịch ở mức 72.000 - 76.000 đồng/kg. Ở đà xuống, nếu xuống dưới mốc 72.000 đồng/kg, giá tiêu sẽ rơi xuống sâu hơn nữa. Nếu giữ được mốc này trong tuần tới, giá tiêu có cơ hội hồi phục mạnh mẽ để bước vào chu kỳ tăng mới.

Minh Thuận - Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.