Multimedia Đọc Báo in

Những nhà nông hiện đại

08:48, 21/03/2021

Chủ động tìm tòi, sáng tạo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều nông dân trong tỉnh đã thành công, trở thành tỷ phú.

Lão nông “gàn dở”

Trong khi các nhà nông trồng hồ tiêu và cà phê ở xã Ea Sol (huyện Ea H’leo) đang đau đầu vì giá cả thấp, bệnh cây trồng… thì tại vườn của ông Nguyễn Văn Liêm (ở thôn 6) các thương lái tấp nập tìm đến mua bưởi, quýt, cây giống…

Ngược thời gian, năm 2016 cây cà phê và hồ tiêu giúp không ít nông dân ở đây trở thành tỷ phú, riêng ông Liêm quyết định phá bỏ 2 ha cà phê để chuyển sang trồng 400 gốc bưởi da xanh và 300 gốc cam, quýt theo mô hình chuyên canh. “Nhiều người bảo tôi là gàn dở, can ngăn vì cho rằng cây bưởi, quýt không hợp với đất Tây Nguyên, khó sinh trưởng và không cho nhiều trái như ở miền Tây Nam Bộ”, ông Liêm trò chuyện.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tham quan vườn bưởi da xanh của ông Nguyễn Văn Liêm  (bên trái) ở thôn 6 (xã Ea Sol).
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tham quan vườn bưởi da xanh của ông Nguyễn Văn Liêm (bên trái) ở thôn 6 (xã Ea Sol).

Quyết là làm, ông Liêm học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng các giải pháp công nghệ cao chăm sóc cây có múi từ khâu bón phân, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh, đến lắp hệ thống tưới tiết kiệm, bảo đảm mùa khô cây bưởi vẫn xanh tốt. Sau 2 năm trồng và chăm sóc vườn cây ăn trái bắt đầu ra bói, đến năm 2019, ông Liêm thu hoạch được 40 tấn bưởi và bán với giá 30.000 - 40.000 đồng/kg và 9 tấn quýt đường, giá bán 10.000 - 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. Thị trường mà ông Liêm cung cấp bưởi, quýt chủ yếu ở các tỉnh miền Tây và luôn trong tình trạng "cháy" hàng. Hiện nay, ông Liêm đã chuyển đổi toàn bộ 4 ha chuyên canh cà phê sang trồng 900 gốc bưởi da xanh.

Ông Liêm cho biết, cây bưởi da xanh dễ thích nghi với các điều kiện khí hậu khác nhau, ra trái quanh năm, giá cả và đầu ra ổn định… Nếu để cây tự nhiên ra quả thì mỗi cây có khoảng 100 trái/năm, nhưng trái sẽ không chất lượng, nên ông tỉa bớt chỉ để lại một lượng trái vừa đủ, đảm bảo sức cho cây phát triển vụ sau.

Ngoài chăm sóc bưởi ra trái, ông Liêm còn chiết cành để bán cây giống, riêng trong năm 2020 ông đã bán 8.000 cây giống với giá 50.000 đồng/cây, gia đình có thêm khoản thu nhập gần 400 triệu đồng. Nói về dự định sắp tới, ông Liêm cho hay: "Tôi vẫn muốn tạo ra dòng bưởi da xanh theo chất lượng VietGAP để có cơ hội hướng đến thị trường khó tính hơn”.

 Tỷ phú... nhờ đa cây

Anh Nguyễn Văn Dần buôn Cư Yuck (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) được hội viên nông dân địa phương biết đến với việc luôn chuyển đổi sang những cây trồng khác sinh lợi nhiều hơn. Từ 8 ha cao su, đến nay vườn nhà anh Dần đã trở thành vùng trồng xen canh cà phê, sầu riêng, bơ, mít Thái da xanh, ổi… mang lại nguồn thu nhập ổn định quanh năm.

Anh Nguyễn Văn Dần (bên phải) ở buôn Cư Yuck (xã Cư Pơng) giới thiệu giống ổi Đài Loan.
Anh Nguyễn Văn Dần (bên phải) ở buôn Cư Yuck (xã Cư Pơng) giới thiệu giống ổi Đài Loan.

Năm 1996, anh Dần đến định cư tại buôn Cư Yuck. Nơi đây trồng bạt ngàn cao su, anh Dần cũng mua 8 ha đất đồi trồng cây cao su. Qua 10 năm, anh Dần bỏ cao su sang trồng cà phê. Đất đai khô cằn, thiếu nước tưới, cây cà phê lúc được mùa mất giá, khi được giá mất mùa, năm 2010 anh Dần mạnh dạn phá bỏ một phần cà phê già cỗi trồng xen canh cây sầu riêng, bơ, mít Thái da xanh… Đầu năm 2020, anh Dần tiếp tục chuyển đổi 3 ha cà phê trồng ổi lê Đài Loan cho thu nhập cao. Với mô hình trồng xen cà phê và cây ăn trái đã mang về cho gia đình anh Dần khoản thu nhập hơn 1 tỷ đồng; sau khi trừ chi phí, gia đình anh lãi gần 700 triệu đồng.

 
Nhà nông hiện đại, nhanh nhạy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhưng phải thích ứng với diễn biến thị trường để không phải đối diện với tình trạng được mùa, mất giá”.
 
Ông Nguyễn Văn Liêm, thôn 6 (xã Ea Sol, huyện Ea H’leo)

Nhớ lại thời gian mới chuyển đổi trồng xen canh, anh Dần cho hay: "Tôi phải đi học nhiều nơi, nhiều mô hình, nhờ đó, tôi dần làm chủ được kỹ thuật sản xuất. Tiếp đó, tôi đầu tư thêm hệ thống tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, công sức..., nhờ vậy vườn cây phát triển xanh tốt, đạt năng suất ổn định".

Theo anh Dần, trồng nhiều loại cây trên cùng một diện tích giúp chia sẻ rủi ro nếu một loại nông sản bị rớt giá, hiệu quả kinh tế của vườn cao hơn gấp 2 - 3 lần so với trồng độc canh. Đơn cử, trên diện tích 3 ha trồng sầu riêng, anh Dần trồng xen cây ổi lê Đài Loan, chỉ mới trồng gần 1 năm nhưng đã cho thu hoạch 4 đợt, sản lượng khoảng 1 tấn với giá thu mua từ 15.000 - 20.000 đồng/kg mang về cho gia đình anh khoản thu nhập đáng kể. “So với cây cà phê, chăm sóc cây ổi lê Đài Loan nhàn hơn, nhưng lợi nhuận lại cao hơn 3 lần”, anh Dần nói.  

Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Dần còn hỗ trợ hội viên nông dân xã Cư Pơng giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua việc hỗ trợ cây giống, lắp hệ thống tưới…, riêng gia đình anh Dần tạo việc làm ổn định cho 15 hội viên buôn Cư Juck với mức lương 6 triệu đồng/tháng.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.