Multimedia Đọc Báo in

Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi hươu sao

06:20, 12/03/2021

Gần đây, một số hộ dân ở thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) mạnh dạn đưa mô hình nuôi hươu sao vào phát triển kinh tế gia đình, bước đầu đem lại hiệu quả.

Là hộ đầu tiên đưa giống hươu sao vào chăn nuôi tại địa phương, đến nay gia đình ông Trần Viết Dụ (thôn Quỳnh Tân 3) đã có nguồn thu nhập ổn định.

Ông Dụ cho biết, ngoài 1 ha cà phê, sau khi tìm hiểu nhận thấy mô hình nuôi hươu sao phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đang sống và điều kiện của gia đình, năm 2015 ông mạnh dạn đầu tư hơn 80 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 2 con hươu đực, 3 con hươu cái nuôi thử nghiệm. Ông Dụ đã đi tham quan các mô hình nuôi hươu sao trên địa bàn tỉnh, đồng thời học hỏi, đúc kết kinh nghiệm chăm sóc, phòng bệnh cho hươu qua nhiều kênh thông tin nhằm phát triển chăn nuôi.

Mô hình chăn nuôi hươu sao của gia đình ông Trần Viết Dụ (thôn Quỳnh Tân 3,  thị trấn Buôn Trấp).
Mô hình chăn nuôi hươu sao của gia đình ông Trần Viết Dụ (thôn Quỳnh Tân 3, thị trấn Buôn Trấp).

Hươu sao là động vật còn mang trong mình đặc tính hoang dã, do đó cùng với những kiến thức có được, ông Dụ dành thời gian quan sát tỉ mỉ, tìm hiểu tập tính của chúng trong từng giai đoạn phát triển, qua đó biết thời điểm phù hợp vệ sinh chuồng trại, phối giống, cung cấp thức ăn đầy đủ ở từng thời kỳ phát triển. Nguồn thức ăn cho hươu khá phong phú, có thể tận dụng cỏ, lá cây, quả…, mùa  hươu ra nhung cho ăn thêm chuối chín, cám gạo, gạo nếp, cám ngô, muối khoáng… để đảm bảo dinh dưỡng. Ông Dụ cũng trồng thêm 3 sào cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho chúng.

 

"Sản phẩm nhung hươu có tác dụng tăng cường sức khỏe, cung cấp dinh dưỡng, bồi bổ cơ thể… nên được nhiều người tìm mua. Mô hình chăn nuôi này rất phù hợp với kinh tế nông hộ, đang được Hội Nông dân thị trấn khuyến khích phát triển trong thời gian tới".

 

 
Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp Nguyễn Xuân Hậu

Theo ông Dụ, nuôi hươu sao lấy nhung cần vốn đầu tư lớn, nhưng bù lại thu nhập khá cao. Thông thường, mỗi con hươu đực nếu được chăm sóc tốt mỗi năm sẽ cho từ 1 - 2 lứa nhung. Hiện tại, gia đình ông Dụ đang nuôi 10 con hươu sao (6 con đực và 4 con cái) trưởng thành, trung bình mỗi năm, ông thu hoạch được hơn 2,5 kg nhung (với giá bán 2 triệu đồng/lạng) và cung cấp cho thị trường 1 - 2 cặp hươu giống (giá 15 – 20 triệu đồng/cặp), nhờ vậy gia đình ông thu được gần 100 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông Dụ còn sử dụng lượng phân của hươu thải ra để ủ với vỏ trấu cà phê, làm phân vi sinh bón cho vườn cà phê. Nhờ đó, 1 ha cà phê của ông phát triển xanh tốt, cho năng suất đạt 4,5 tấn nhân/năm.

Từ hiệu quả mô hình nuôi hươu sao của gia đình ông Dụ, nhiều người dân quanh vùng đã tìm đến học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm và mua hươu giống từ gia đình ông để phát triển chăn nuôi. Hiện, trên địa bàn thị trấn Buôn Trấp đã có 6 hộ phát triển mô hình nuôi hươu sao, với 22 con. Các hộ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong việc nuôi hươu sao cũng như thu hoạch nhung.

Ông Đào Quang Chúc (bìa trái) giới thiệu mô hình nuôi hươu sao của gia đình.
Ông Đào Quang Chúc (bìa trái) giới thiệu mô hình nuôi hươu sao của gia đình.

Tiêu biểu có thể kể đến gia đình ông Đào Quang Chúc (thôn Quỳnh Tân 2), sau khi mua 4 con hươu giống (2 con đực, 2 con cái) đã trưởng thành từ gia đình ông Dụ, được hỗ trợ kỹ thuật nuôi nên chỉ sau gần nửa năm chăm sóc, hươu sao của gia đình phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch cặp nhung đầu tiên. Ông Chúc phấn khởi: “Hươu sao dễ chăm sóc, lượng thức ăn cũng ít hơn nuôi bò nên không quá vất vả cho người nuôi. Hươu sao khá nhạy cảm với mùi, vì thế một số thức ăn ôi thiu hoặc quả, lá cây có thuốc trừ sâu, chúng sẽ ít ăn, có lẽ bởi thế nên chúng có sức đề kháng cao. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư thêm vốn mở rộng chuồng trại, nhân giống để phát triển mô hình này.”

Ông Nguyễn Xuân Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Buôn Trấp cho biết, mô hình nuôi hươu sao lấy nhung là mô hình phát triển kinh tế mới, có triển vọng tại địa phương, bước đầu mang lại hiệu quả, giúp người chăn nuôi có nguồn thu ổn định hằng năm để phát triển kinh tế gia đình.

Huyền Diệu - Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.