Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng hạ tầng giao thông: Đồng bộ từ giao thông đối ngoại đến nội vùng

06:45, 23/05/2021

Xác định giao thông vận tải (GTVT) là bộ phận rất quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giai đoạn 2015 - 2020 mạng lưới giao thông của tỉnh đã được quan tâm ưu tiên đầu tư đi trước một bước, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân và kết nối vùng miền.

Hoàn thiện giao thông đối ngoại

Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định rõ: Nguồn vốn xây dựng cho giao thông rất lớn nên cần đa dạng hóa các hình thức đầu tư, tranh thủ tối đa nguồn vốn đầu tư nước ngoài dưới các hình thức như ODA, FDI, BOT..., đồng thời huy động nguồn nội lực từ nhân dân, các doanh nghiệp và thành phần kinh tế khác trên địa bàn tỉnh tham gia.

 

Thảm nhựa đường Nguyễn Lương Bằng, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột).
Thảm nhựa đường Nguyễn Lương Bằng, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột).

 

Hệ thống mạng lưới quốc lộ (giao thông đối ngoại) qua địa bàn tỉnh gồm 7 tuyến, chiều dài đang khai thác là 678 km, bao gồm: đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), Quốc lộ 26, Quốc lộ 27, Quốc lộ 29, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 19C và đường Trường Sơn Đông. Trong những năm qua, tỉnh đã được đầu tư xây dựng và mở rộng nhiều tuyến đường giao thông quan trọng. Trong đó, các dự án lớn đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng trên các tuyến giao thông trọng điểm. Trước năm 2015, đường Hồ Chí Minh qua địa bàn Đắk Lắk luôn là nỗi ám ảnh với người dân, tài xế khi lưu thông qua đây. Tại những cuộc tiếp xúc cử tri được tổ chức ở các địa phương trong tỉnh, hàng trăm ý kiến của cử tri đã bày tỏ mong muốn tuyến đường được đầu tư, xây dựng để đáp ứng nhu cầu đi lại và hạn chế tai nạn giao thông do đường hư hỏng, xuống cấp. Cuối năm 2013, các dự án trên tuyến chính thức được khởi công và đến năm 2015 hoàn thành đưa vào sử dụng. Đây được xem là "dấu mốc” quan trọng trong xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh.

Nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông trên tuyến đường huyết mạch này, tỉnh tiếp tục đề nghị Chính phủ và bộ, ngành liên quan đầu tư các tuyến tránh nhằm giảm áp lực cho tuyến chính. Năm 2016, Bộ GTVT phê duyệt thêm 2 dự án đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh gồm: tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ, với tổng mức đầu tư 575 tỷ đồng; đường Đinh Tiên Hoàng nối đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột), với tổng mức 80 tỷ đồng. Năm 2020, Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh phía đông TP. Buôn Ma Thuột được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư, tổng mức trên 1.500 tỷ đồng, hiện đang trong giai đoạn mời thầu để khởi công xây dựng. Bên cạnh đó, Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 26 được quan tâm đầu tư, là tuyến đường kết nối giữa Đắk Lắk với các tỉnh duyên hải miền Trung, tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại, giao thương hàng hóa. Ngoài ra, các tuyến Quốc lộ 29 nối Đắk Lắk với thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên); Quốc lộ 27 nối với thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), tỉnh Ninh Thuận; Quốc lộ 14C chạy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, nối tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông… cũng từng bước được nâng cấp, mở rộng.

Quan tâm đầu tư giao thông nội vùng

Tại tỉnh ta, hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách vẫn do đường bộ đảm nhận chủ yếu, chiếm khoảng 95%. Giai đoạn 2015 - 2020, ngoài hệ thống giao thông đối ngoại, tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đối nội. Theo đó, nhiều tuyến tỉnh lộ được cải tạo, nâng cấp, góp phần đáp ứng giao thông nội vùng. Đơn cử như giữa năm 2020, Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến Tỉnh lộ 12 đoạn qua các xã Yang Reh, Ea Trul, Hòa Sơn và thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Hay như Dự án nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 2, đoạn từ Km0 – Km6+431 (TP. Buôn Ma Thuột) được HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung với tổng mức đầu tư hơn 95,7 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Trên tuyến Tỉnh lộ 9 đoạn Km 21+363 (thuộc địa phận xã Khuê Ngọc Điền) đến Km 26+702 (thuộc địa phận thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) đang được cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn công trình cấp III, quy mô bề rộng nền đường 5,5 m, mặt đường bê tông xi măng. Tương tự, trên tuyến Tỉnh lộ 1 nối TP. Buôn Ma Thuột với huyện biên giới Ea Súp và Buôn Đôn có các dự án đang triển khai như: đường giao thông đến Làng thanh niên lập nghiệp xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) dài khoảng 9 km, được đầu tư khoảng 35 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 1 đoạn Km49 - Km66 qua huyện Ea Súp, có mức đầu tư gần 83,5 tỷ đồng, quy mô cấp IV (miền núi), nền đường rộng 7,5 m. Mới đây nhất, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 1 (đoạn từ cầu buôn Ky, TP. Buôn Ma Thuột đến Km49+00, đoạn qua xã Cư M’lan, huyện Ea Súp)…

 

Đường Hồ Chí Minh qua huyện Ea H'leo.
Đường Hồ Chí Minh qua huyện Ea H'leo.

 

Cùng với hệ thống tỉnh lộ, các công trình cầu treo, cầu dân sinh trên đường bộ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh cũng được triển khai xây dựng.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 433 cầu dân sinh, trong đó đã hoàn thành 9 cầu theo Đề án xây dựng cầu treo dân sinh của Bộ GTVT. Hiện nay, Bộ GTVT đang tiếp tục triển khai Dự án xây dựng  cầu dân sinh và quản lý đường địa phương (dự án LRAMP) thực hiện trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020 và kéo dài qua năm 2021, với tổng số 112 cầu…

Ông Đỗ Quang Trà, Giám đốc Sở GTVT cho biết, kế thừa những kết quả đạt được trong giai đoạn 2015 - 2020, thời gian tới, tỉnh tập trung đầu tư phát triển kết cấu giao thông đối ngoại, mang tầm chiến lược và tạo đột phá. Trong đó, tiếp tục đề xuất Trung ương đưa vào quy hoạch các tuyến đường bộ cao tốc trên địa bàn kết nối với các tỉnh, vùng kinh tế khác như cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang; kiến nghị đầu tư xây dựng các dự án giao thông liên kết với các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên như Dự án Cảng cạn Đắk Lắk, đường sắt Buôn Ma Thuột – Tuy Hòa…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.