Triển vọng mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Krông Pắc
Nhằm đánh giá khả năng thích ứng giống lúa mới đối với đất đai, khí hậu và phương thức canh tác của nông dân trên địa bàn, vụ đông xuân 2020 - 2021 huyện Krông Pắc đã triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Ea Uy và đem lại nhiều kỳ vọng cho nông dân địa phương.
Năng suất vượt trội
Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Ea Uy được triển khai trên diện tích 50 ha tại cánh đồng thôn 11, với sự tham gia của 122 hộ dân đến từ thôn 8 và thôn 11. Theo đó, nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống lúa ST24, được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa theo mô hình canh tác thân thiện với môi trường.
Ông Giáp Văn Nhị (thôn 11), một trong những hộ tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn cho biết, gia đình ông có 2 ha ruộng. Trước đây ông cũng như bà con trong xã thường gieo trồng nhiều giống lúa trong nhiều đợt khác nhau, thậm chí có những thửa ruộng trồng đến 2 - 3 giống lúa nên việc chăm sóc gặp nhiều khó khăn do thời gian sinh trưởng của các giống lúa khác nhau, không chủ động được nước tưới, sâu bệnh xảy ra thường xuyên, lúa chín không đồng đều gây khó khăn cho khâu thu hoạch, thương mại...
Khi tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn, ông Nhị và các hộ dân khác có được sự đồng hành, hướng dẫn của chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp tổ chức xuống giống đồng loạt, đúng lịch thời vụ nên chủ động được nước tưới, hạn chế sâu bệnh. Đặc biệt, toàn bộ 50 ha lúa gieo trồng cùng một đợt nên việc phòng, trừ sâu bệnh thực hiện đồng loạt trên diện rộng cùng thời điểm đã đem đến hiệu quả cao hơn so với trước.
Cán bộ ngành nông nghiệp huyện Krông Pắc khảo sát cánh đồng mẫu lớn tại xã Ea Uy. |
Tương tự, ông Vi Văn Ánh (cùng trú thôn 11) phấn khởi chia sẻ, tháng 10-2020, ông hay tin toàn bộ 2 ha ruộng của gia đình đều nằm trong mô hình cánh đồng mẫu lớn và được hỗ trợ giống chất lượng cao ST24 nên cả gia đình rất phấn khởi. Với kinh nghiệm sẵn có hàng chục năm trồng lúa và kỹ thuật học được qua các lớp tập huấn của ngành nông nghiệp nên ông rất tự tin. Khâu làm đất kỹ càng, chăm sóc đúng kỹ thuật nên vụ lúa đông xuân 2020 - 2021 đã thành công ngoài mong đợi khi năng suất lúa đạt trên 12 tấn/ha.
Theo tính toán của bà con nông dân, với năng suất bình quân 12 tấn/ha và giá lúa bán ra sau khi thu hoạch từ 6 - 6,5 triệu đồng/tấn thì bà con lãi được khoảng 50% trên tổng doanh thu từ bán lúa.
|
Ông Phạm Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Uy cho hay, mô hình có sự tham gia của nhiều đơn vị: Phòng NN-PTNT huyện quán triệt cách thức tổ chức, đầu mối thông tin mô hình; Trạm Khuyến nông hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất giống lúa dài ngày; Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn cách phòng, trừ sâu bệnh; bộ phận thủy lợi của xã và huyện phụ trách công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất... Nhờ đó, quá trình sản xuất lúa rất thuận lợi, lúa sinh trưởng tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt trên 12 tấn/ha, cao hơn nhiều so với các giống lúa khác nên bà con nông dân rất phấn khởi.
Kỳ vọng mới từ cách làm mới
Khác biệt với các mô hình cánh đồng mẫu lớn triển khai trước đó, mô hình cánh đồng mẫu lớn ở xã Ea Uy được triển khai dựa trên nhu cầu thực tế của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc cho hay, trước khi triển khai mô hình, Phòng NN-PTNT huyện đã xuống địa bàn khảo sát, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân về cách thức tổ chức, nhu cầu sản xuất giống lúa gì khi triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn. Qua khảo sát cho thấy hầu hết nông dân trên địa bàn đều mong muốn hỗ trợ giống lúa chất lượng cao ST24 nên huyện đã triển khai hỗ trợ giống theo đúng nguyện vọng của bà con. Mô hình ban đầu chỉ có 50 ha, nhưng được triển khai trên cánh đồng rộng 127 ha đã tạo được sức hút lớn đối với nông dân và giới kinh doanh lúa gạo trên địa bàn, tạo điều kiện cho các hộ dân không tham gia mô hình được tham quan, tìm hiểu cách thức tổ chức sản xuất lúa theo hướng hàng hóa.
Nông dân trên địa bàn huyện Krông Pắc chia sẻ kinh nghiệm sản xuất lúa dài ngày chất lượng cao ST24. |
Trực tiếp tham quan, tìm hiểu về mô hình cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn vào cuối tháng 5-2021 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hưng (thôn 8, xã Ea Uy) kỳ vọng, sản xuất trên diện rộng sẽ khắc phục được nhược điểm canh tác manh mún và tạo được sự nhất quán trong canh tác, góp phần nâng cao chất lượng lúa gạo cuối vụ. Với số lượng lúa lớn, đồng đều về chất lượng sẽ giúp bà con có "tiếng nói" hơn khi xuất bán lúa cho thương lái. Do đó, ông mong muốn thời gian tới huyện sẽ nhân rộng mô hình để ông và các nông dân khác có cơ hội tham gia, từng bước hình thành mô hình sản xuất lúa hàng hóa.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, ngoài tự khảo sát, triển khai mô hình, ngành nông nghiệp huyện còn phối hợp với chính quyền địa phương tự tổ chức hội thảo đầu bờ và đánh giá chất lượng lúa sản xuất tại địa phương. Cách làm này được triển khai trên tinh thần đặt lợi ích của nông dân lên hàng đầu khi dành hầu hết thời gian để nông dân trao đổi, chia sẻ khó khăn và trình bày dự định, nguyện vọng của mình trong đường hướng phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương. Huyện cũng dựa trên hoạt động hội thảo đầu bờ này để tìm hiểu những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn trong thực hiện mô hình của các bên liên quan nhằm rút ra kinh nghiệm sản xuất cho tương lai. Đồng thời có sự nhìn nhận vấn đề sâu sắc, cặn kẽ hơn để tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện về chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn sát với thực tế.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc