Multimedia Đọc Báo in

Đắk Lắk bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống dịch bệnh

17:02, 23/07/2021

Từ 12 giờ trưa 23-7, nhiều người dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đổ xô đến các chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mua lương thực về tích trữ. Ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công thương khẳng định, không có việc đóng cửa các chợ, cửa hàng bán lẻ thực phẩm. Hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn mở cửa để bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong bất kể tình huống nào của dịch bệnh.

Theo Ban quản lý chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, lượng người mua đến đông nên các mặt hàng như rau, củ, quả, thịt, cá, hải sản nhanh chóng hết hàng. Đến 15 giờ cùng ngày, hàng tươi sống ở chợ hầu như không còn để bán.

Nhiề người dân tập trung mua sắm tại chợ Tân An (TP. Buôn Ma Thuột)
Nhiều người dân tập trung mua sắm tại chợ Tân An (TP. Buôn Ma Thuột).

Không chỉ ở các chợ, tại các trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh thực phẩm, tình trạng người dân đổ xô đến mua hàng tích trữ cũng xảy ra. Bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột cho hay, trong vòng khoảng ba giờ đồng hồ trưa nay, khách đến siêu thị tăng đột biến, gấp nhiều lần so với bình thường, chủ yếu là khách lẻ đi mua thực phẩm về tích trữ dùng dần. Siêu thị yêu cầu khai báo y tế ngay từ ngoài cửa vào, đo thân nhiệt, sát khuẩn và phân luồng khách để giảm tải tình trạng tập trung đông người cùng một lúc.

Mặt hàng được mua nhiều nhâts là rau, củ, quả, thịt, cá...
Mặt hàng được người dân mua nhiều nhất là rau xanh, củ, quả, thịt, cá các loại.

Tại cửa hàng chuyên bán thịt của Công ty TNHH Dịch vụ thực phẩm Nụ cười Ban Mê (phường Thành Công), thời điểm từ gần 12 giờ đến 15 giờ, lượng khách tăng gấp bốn lần so với mọi ngày. Theo đó, cửa hàng đã bán ra gần 4,5 tấn thịt nhập khẩu và thịt tươi sống trong nước. Ông Võ Văn Tú, Giám đốc công ty cho hay, đến hơn 15 giờ cùng ngày, vẫn còn đông người dân đang đứng trước cửa hàng chờ mua thịt. Để bảo đảm an toàn chống dịch, cửa hàng buộc phải bố trí nhân viên lấy thông tin khách hàng để giao hàng miễn phí tận nhà cho khách. Đồng thời, giải thích để khách hàng được biết và hiểu, nếu trong tình huống dịch bệnh diễn biến xấu nhất, cửa hàng vẫn mở bán và cung ứng đủ hàng hóa phục vụ khách.  

Khách đến mua sắm tại cửa hàng
Có khá đông người tiêu dùng đến mua thực phẩm tại cửa hàng của Công ty TNHH Dịch vụ thực phẩm Nụ cười Ban Mê

Theo tìm hiểu, trước đó có tin đồn TP. Buôn Ma Thuột sẽ thực hiện phong tỏa làm người dân lo rằng các chợ, cửa hàng tiện lợi sẽ đóng cửa nên vội đi mua thực phẩm về tích trữ trong nhà.

Ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công thương khẳng định, không có việc đóng cửa các chợ, cửa hàng bán lẻ thực phẩm. Hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh như chợ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm… vẫn mở cửa để bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong bất kể tình huống nào của dịch bệnh.

Sở Công thương đã chủ động xây dựng kế hoạch cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu, bảo đảm kịp thời, đủ cho người dân. Bên cạnh đó, Sở cũng đã sẵn sàng các phương án điều tiết, khơi thông hàng hóa trong tình huống xấu nhất để phục vụ người dân mua sắm, không lo tình trạng thiếu hụt hàng hóa. Do đó, người dân nên bình tĩnh, không nên có tâm lý hoang mang, đổ xô đi mua hàng tích trữ gây tập trung đông người tại các điểm bán hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm.

Đỗ Lan


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.