Multimedia Đọc Báo in

Phát triển nghề nuôi chim yến ở huyện Ea Súp: Còn nhiều bất cập

08:13, 16/07/2021

Trong những năm gần đây, hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn huyện Ea Súp phát triển mạnh. Tuy nhiên, lĩnh vực này còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, lúng túng.

Nghề nuôi chim yến xuất hiện và nở rộ trên địa bàn huyện biên giới trong khoảng 5 năm trở lại đây, với loại hình, quy mô khác nhau. Nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà nuôi yến, một số hộ nuôi yến đã có sản phẩm yến tổ, tăng thêm thu nhập. Huyện Ea Súp đã chỉ đạo các ban, ngành và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý về hoạt động nuôi chim yến, kiểm tra, thống kê các cơ sở nuôi chim yến nhằm quản lý, kiểm soát phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm.

Một cơ sở  nuôi chim yến trong khu dân cư tại  thôn 2,  thị trấn Ea Súp.
Một cơ sở nuôi chim yến trong khu dân cư tại thôn 2, thị trấn Ea Súp.

Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động nuôi chim yến tại huyện Ea Súp còn nhiều bất cập. Theo thống kê của địa phương, trên địa bàn huyện hiện có 83 cơ sở nuôi chim yến đang hoạt động, tập trung nhiều nhất tại thị trấn Ea Súp (42 cơ sở), xã Ea Lê (19 cơ sở), xã Cư M'lan (6 cơ sở) và rải rác ở các xã khác trên toàn huyện.

Bên cạnh những cơ sở bước đầu có hiệu quả kinh tế, một số hộ nuôi không nghiên cứu đầy đủ về khí hậu, vùng sinh thái và tập tính của chim yến nên khi xây nhà xong thì chim không về làm tổ hoặc chim về nhưng bị chết do thời tiết thay đổi. Hoạt động của các cơ sở nuôi chim yến cũng tồn tại nhiều vi phạm so với quy định.

Cụ thể, kết quả giám sát của HĐND huyện Ea Súp cho thấy, 100% cơ sở hoạt động tự phát, không khai báo với cơ quan chức năng; chưa thực hiện việc ký cam kết bảo vệ môi trường; xây dựng trái phép trên đất ở và đất nông nghiệp hoặc cải tạo nhà ở, tận dụng các tầng trên của ngôi nhà để nuôi chim yến; sử dụng âm thanh dẫn dụ chim yến không đúng thời gian quy định, đặc biệt, nhiều nhà yến hoạt động trong khu dân cư (khoảng cách dưới 300 m) vẫn sử dụng loa phóng, phát âm thanh; không thường xuyên giám sát sức khỏe định kỳ của đàn yến…

Chị H.N.L. (thôn 2, thị trấn Ea Súp), chủ một cơ sở nuôi chim yến cho biết, nhận thấy những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn huyện nuôi chim yến lấy tổ có hiệu quả kinh tế cao, nên đầu năm nay, chị cũng đầu tư xây dựng nhà yến diện tích 300 m2. Khi nuôi yến, chị cũng chỉ mới tìm hiểu về mặt kỹ thuật chứ chưa hiểu hết các quy định trong lĩnh vực này nên đã không tuân thủ các quy chuẩn, quy định về nuôi chim yến.

Bên cạnh tình trạng vi phạm của các chủ cơ sở nuôi yến thì công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng chưa được siết chặt. Cụ thể, cơ quan chức năng chưa tiến hành kiểm tra các điều kiện, quy định nuôi chim yến như công tác bảo vệ môi trường, thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, chấp hành việc sử dụng thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến và quy định của Luật Chăn nuôi. Việc xây dựng nhà yến hoặc cơi nới nhà ở để nuôi yến cũng chưa được kiểm tra, xử lý nghiêm. Nguyên nhân của tình trạng này là do tỉnh chưa phê duyệt quy hoạch vùng nuôi chim yến nên địa phương không thể cấp phép cho các hộ nuôi chim yến, các cơ sở đều hoạt động tự phát. Bên cạnh đó, hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định điều kiện về xây dựng chuồng trại, quy trình nuôi, phòng chống dịch bệnh, quy cách chuồng trại nuôi yến. Do đó, cơ quan chức năng gặp khó khăn, lúng túng trong việc quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm.

Tình trạng nuôi chim yến tự phát trong khu dân cư không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn phá vỡ quy hoạch xây dựng, nguy cơ phát sinh ô nhiễm, dịch bệnh gia cầm. Để chấn chỉnh những bất cập trong phát triển nuôi chim yến trên địa bàn trong thời gian tới, HĐND huyện Ea Súp đã kiến nghị UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, địa phương rà soát, thống kê các cơ sở nuôi chim yến, nghiêm cấm việc cơi nới, xây mới nhà yến cho đến khi có quy hoạch vùng nuôi chim yến; kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành các quy định trong lĩnh vực này.

Minh Chi


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.