Multimedia Đọc Báo in

Xóm đèn dầu

08:55, 10/04/2010

Chỉ cách trung tâm thị trấn Phước An có 3 km nhưng nhiều năm nay,  người dân xóm 3, buôn Ea Yông B (xã Ea Yông, huyện Krông Pak) vẫn phải chịu cảnh thắp đèn dầu vì không có điện, dù đường dây và trạm biến áp cách đó không xa. Mong ước điện là ước mơ của người dân nơi đây.

Mới chập tối, ông Y Lắt Niê đã đóng sập cửa lại, thắp duy nhất ngọn đèn dầu leo lét chiếu sáng cho cả căn nhà. Ông nói: “Ngồi làm gì thì làm một chút nữa là vào mắc màn đi ngủ. Thức khuya lại tốn dầu. Nhiều hôm, có ít ngô bẻ trên nương, tranh thủ tối về định lẩy hạt nhưng lại thôi”. Năm nay đã bước sang tuổi ngoài 60, cuộc đời của ông chỉ dám mơ một ngày có điện mà vẫn chưa có được. Nhìn mấy cái đèn dầu mà thấy cái khổ, cái nghèo mãi vẫn còn đeo đẳng.
Năm 1993, theo Nghị định 168 của Chính phủ, điện thắp sáng đã kéo về buôn Ea Yông B, người dân Êđê ở đây bắt đầu được biết đến ánh sáng của đèn điện nhưng không phải chỗ nào cũng có. Suốt chừng đó năm, 23 hộ của xóm 3 vẫn sống trong cảnh không điện sinh hoạt. Đèn dầu vẫn là thiết bị chiếu sáng phổ biến nhất. Buổi tối, nhìn sang bên kia đường, các xóm khác điện sáng trưng, nhưng bên này, chỉ cách mấy bước chân, nhà nhà lại thắp nến hoặc vẫn ngọn đèn dầu leo lét…

 

Nguồn sáng duy nhất của cư dân xóm 3 về đêm là đèn dầu, ngọn nến và ánh trăng. Nhất là vụ thu hoạch sắn, nhà nào cũng tất bật cả ngày đi nhổ sắn trên rẫy, tối về lại chong ngọn đèn dầu để thái sắn. Ban ngày mọi sinh hoạt đều phải tranh thủ làm lúc trời chưa tối. Nếu như vào đúng vụ mùa đành phải chấp nhận mò mẫm làm việc dưới ngọn đèn hắt hiu, còn hầu như chẳng làm được gì hơn.  Đêm đến, ngõ xóm tối om, chẳng mấy ai buồn ra khỏi nhà. Có việc gì đó thì cầm đèn dầu chạy khắp xóm. Không có điều kiện để xem ti vi, giải trí, đa số bà con trong xóm đêm về chỉ còn biết... đi ngủ sớm. Còn anh Y Krang kể, không có điện mọi sinh hoạt và phục vụ sản xuất đều phải làm bằng tay, vừa tốn công lại rất mất thời gian. Tội nghiệp nhất là mấy đứa con đi học, tối đến, đèn dầu không đủ sáng, không sao học bài được, cứ than nhức mắt hoài. Rồi lại thêm nhà đông người, lấy nước giếng  sinh hoạt phải tự quay bằng tay, không thể nào xuể.. Lôi ra 3-4 cái đèn dầu, anh bộc bạch, đêm nào cũng thắp hết mới đủ sáng. Tuy nhiên, cả nhà vẫn đi ngủ sớm để tiết kiệm dầu, vậy mà tháng nào cũng  tốn hết 5 lít dầu.
Không chịu nổi cảnh nhà tối om om, nhiều hộ phải xin câu nhờ điện của những hộ dân xóm khác. Các hộ dân này tự góp tiền kéo dây, viết bản cam kết chỉ dùng điện thắp sáng. Song do dây điện nhỏ, kéo xa nơi ở, số hộ dùng điện chung nhiều dẫn đến tình trạng điện yếu, không bảo đảm, lại phải trả theo giá điện kinh doanh, vì thế rất đắt đỏ. Trước đây, hộ anh Y Krang cùng với hộ của anh Y Gram Niê phải kéo nhờ điện nhà Y Đúp. Ba hộ kéo chung một đường dây nên điện rất yếu, nhiều hôm bật quạt mô-tơ không chạy nổi. Không những thế, nếu một gia đình có vài thiết bị điện như nồi cơm điện, quạt, ti vi nhưng tiền điện mỗi tháng cũng xấp xỉ 100.000 đồng, có nhà chỉ có 2 bóng điện thắp sáng cũng phải chia đều nhau mà trả.
Buôn trưởng Y Blếc tâm sự, xóm 3 không có điện sinh hoạt kéo theo nhiều vấn đề phức tạp khác. Không có ti vi nên kênh thông tin vẫn còn xa lạ với bà con. Các hộ dân ở đây lâu nay sống trong tình trạng lạc hậu do không có điện. Muốn làm nhiều thứ lắm để nâng cao dân trí cho bà con đồng bào nhưng không có điện, làm gì cũng khó. Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân cũng có ý kiến nhưng vẫn nhận được câu trả lời là do xa đường dây trụ điện!
Trao đổi với đại diện UBND xã Ea Yông, ông Y Nuc Byă, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết, trong nỗ lực đưa điện về buôn Ea Yông B, chính quyền và các ngành chức năng có liên quan đã thực hiện được đến hơn 90%. Riêng ở xóm 3, từ trụ hạ thế cuối cùng đến các hộ dân cách khoảng 200-300 m. Điều đó có nghĩa là khoảng cách này quá xa, muốn có điện thì phải dựng thêm cột hạ thế. Xã cũng đã làm tờ trình gửi lên UBND huyện nhưng vẫn cứ phải chờ...
Bao nhiêu năm sống trong ánh sáng leo lét của chiếc đèn dầu, có điện thắp sáng là khát khao của bà con nơi đây.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc