Multimedia Đọc Báo in

Liêm và liêm sỉ

14:15, 21/04/2012

Hiện nay, dư luận đang xôn xao về chuyện  “dưỡng liêm” cho một số đối tượng là cán bộ, công chức nên cũng xin được bàn góp đôi lời.

Chữ “Liêm” được hiểu là “trong sạch - ngay thẳng - không tham lam của người” (Đào Duy Anh - Hán Việt từ điển giản yếu - NXB Văn hóa - Thông tin, 2005). Trong tác phẩm “Cần Kiệm Liêm Chính”, Bác Hồ đã coi “Liêm” là một trong bốn đức của con người, mà thiếu một đức thì không thành người. Khổng Tử thì cho rằng “Người mà không liêm thì không bằng súc vật”. Để hạn chế lòng tham, để giữ sự trong sạch cho “công bộc của dân”, các nhà quản lý đã nghĩ ra nhiều cách thức khác nhau, trong đó có khoản “dưỡng liêm”, hay còn gọi là “liêm bổng”. Thực ra đây cũng chẳng phải là biện pháp mới mẻ gì. Sử sách để lại cho thấy, từ xa xưa, trong thời phong kiến, cha ông ta đã áp dụng hiệu quả vấn đề dưỡng liêm. Giá trị thực tế của khoản tiền dưỡng liêm dưới các triều phong kiến đủ để quan lại có thể sinh sống và bảo vệ đức tính thanh liêm cần thiết cho mình. Tiền dưỡng liêm thật sự là một biện pháp tương đối hữu hiệu trong việc hạn chế nạn tham quan lại nhũng.

Vấn đề ở đây là “dưỡng liêm”  thế nào cho đúng, không phải mạnh ai người ấy làm dễ sinh đặc quyền, đặc lợi, dẫn đến tâm lý so bì. Rồi thì mức “dưỡng” bao nhiêu sẽ giữ được sự liêm chính? Tệ hơn là phản ứng tiêu cực, không được “dưỡng” thì không liêm (!).

Những ai mà có “dưỡng” mới  “liêm”, còn không “dưỡng” thì “bất liêm”  là những người không có liêm sỉ.

Liêm sỉ là “liêm khiết, biết điều sỉ nhục” (Sách đã dẫn), là bản tính trong sạch quyết không làm điều phải xấu hổ. Sống trong xã hội, con người muốn được cộng đồng tôn trọng thì phải có phẩm chất văn hóa, hay nói cách khác là phải có nhân cách. Tầm ảnh hưởng của cá nhân càng rộng thì càng phải giữ gìn nhân cách, càng phải biết điều liêm sỉ.

“Liêm” và “liêm sỉ” thuộc phạm trù  đạo đức. Đạo đức không phải tự nhiên mà có, mà phải được giáo dục, rèn luyện trong môi trường gia đình, nhà trường, xã hội. Do đó, điều quan trọng là phải tính đến việc khắc phục những bất cập trong môi trường xã hội hiện nay. Vấn đề nữa là phải xây dựng được niềm tin trong xã hội. Lòng tin giữa người này với người khác được hình thành không chỉ là thuộc phạm trù đạo đức mà là hiện tượng xã hội - tâm lý - văn hóa tổng hợp. Làm thế nào để người dân tin rằng những cán bộ, công chức được “dưỡng liêm” thì sẽ trở nên liêm khiết? Ở xã hội cổ truyền,  người ta tin nhau vì cùng là thành viên làng xã, dòng tộc, mỗi thành viên yên tâm rằng các thành viên khác (trong cùng một cộng đồng) sẽ cư xử với mình phù hợp với những qui tắc và chuẩn mực mà cả cộng đồng cùng chia sẻ. Trong xã hội hiện đại, cơ sở xã hội của sự tin cậy giữa các cá nhân với nhau phần lớn không còn dựa trên phong tục và tình cảm mà cần dựa trên luật pháp và lý tính. Và như vậy, xét cho cùng, “dưỡng liêm” có thể là cần thiết, nên làm và phải được tiến hành một cách đồng bộ nhưng quan trọng hơn là thiết lập một bộ máy quản lý chuyên nghiệp trên cơ sở ý thức tự giác, kỷ luật và tính minh bạch cao.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc