Multimedia Đọc Báo in

Những nữ cán bộ cơ sở năng động, nhiệt tình

20:46, 03/04/2012

Năng động, nhiệt tình, không quản ngại khó khăn bám thôn, buôn, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, củng cố tổ chức Hội… là mục tiêu, nhiệm vụ mà những nữ cán bộ ở cơ sở kiên trì theo đuổi. Đối với họ, những đổi thay tích cực của cuộc sống người dân luôn là niềm vui và sự động viên lớn nhất trong công việc.

Nữ trưởng buôn đa tài

Đảm nhiệm công việc của một cán bộ phụ nữ xã, thành viên Đội công tác phát động quần chúng, đại biểu HĐND xã Ea Bar, Hội thẩm Tòa án Nhân dân huyện Buôn Đôn, cộng tác viên dân số, Trưởng buôn Knia 2, hơn 15 năm qua, chị H’Wai H’mook luôn khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chị H'Wai H'Mook chăm sóc vườn cà phê.

Nhanh nhẹn, nhiệt tình, lại nói thạo tiếng phổ thông, chị không quản ngại đi xuống tận các thôn, buôn nắm bắt tình hình đời sống của người dân, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm nên mọi việc gặp rất nhiều khó khăn. Không ngại khó, ngại khổ, một mặt chị tích cực tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng sinh hoạt Hội, mặt khác chị tranh thủ cả những khi đi làm nương rẫy cùng chị em để tuyên truyền. Buôn Knia 2 có 176 hộ, 800 khẩu nhưng hơn một nửa thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo mà nguyên nhân chủ yếu là do đẻ nhiều, đẻ dày, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Vì vậy, ngoài việc đi đến từng hộ gia đình phân tích, thuyết phục các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai, chị còn tìm đến các cộng tác viên dân số lâu năm để trao đổi, học hỏi, tìm ra cách thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Trong các buổi sinh hoạt, hội họp, chị tranh thủ lồng ghép tuyên truyền về công tác dân số. Với cách làm “mưa dầm thấm lâu”, công tác này đã đạt kết quả đáng ghi nhận, trường hợp sinh con thứ ba trở lên ngày càng giảm. Bên cạnh đó, chị còn đi đầu trong việc cải tạo vườn cà phê già cỗi, áp dụng tưới nước, bón phân, làm cỏ theo lịch thời vụ; trồng rau, chăn nuôi thêm heo, gà tích lũy kinh nghiệm sản xuất để truyền đạt, hướng dẫn bà con áp dụng. Không những vậy, với trách nhiệm của người đại biểu HĐND xã, Hội thẩm Tòa án Nhân dân huyện, chị luôn chú trọng việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em, chống bạo lực gia đình và thực hiện quyền bình đẳng giới. Giờ đây, đối với bà con buôn Knia 2, chị H’Wai không chỉ là một cán bộ được yêu mến, tín nhiệm mà còn như một người thân trong gia đình.

Hết lòng vì công tác Hội


Kinh tế phát triển ổn định, chị Amí Sowrri sẵn lòng giúp đỡ nhiều hội viên thoát nghèo.

Làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) gần 3 nhiệm kỳ nên Amí Sơri hiểu được khó khăn lớn nhất trong phát triển kinh tế của hội viên là thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất. Xác định muốn có điều kiện giúp đỡ chị em thì trước tiên kinh tế gia đình mình phải vững, chị mạnh dạn phát triển sản xuất, 4 ha cà phê, điều, hoa màu, chị còn xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo, mở quán buôn bán nhỏ tại nhà, mỗi năm thu nhập trên 400 triệu đồng. Khi kinh tế gia đình ổn định, có của ăn, của để, chị Amí Sơri không ngần ngại giúp đỡ nhiều hội viên, người dân trong buôn về vốn, cây, con giống. Gia đình các chị H’Lê Na, H’Nguyên ở buôn Drai Xí có hoàn cảnh khó khăn, con cái không được học hành, chị Amí Sơri đã cho mỗi hộ vay 30 triệu đồng không tính lãi mua đất rẫy trồng cao su. Từ nguồn vốn đó, đến nay gia đình các chị đã thoát khỏi cảnh đói nghèo, làm ăn khấm khá, xây dựng nhà cửa khang trang và chăm lo việc học cho các con. Từ năm 2006 đến nay, chị Amí Sơri còn giúp các chị Amí Hoan, Amí Rít, Amí Hét, Amí Suýt, Amí Ka, Amí Sol, Amí Cheo vay 20 triệu đồng và 10 chỉ vàng không lấy lãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi và sửa chữa nhà ở; nhận đỡ đầu chị H’Lum Êban – một phụ nữ khuyết tật ở buôn Drai Xí. Ngoài việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho chị em phát triển kinh tế, chị Amí Sơri đã cùng Ban Chấp hành Hội phụ nữ xã xây dựng các mô hình, câu lạc bộ “Đàn hát dân ca”, “5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Không sinh con thứ 3”… tạo nơi sinh hoạt gặp gỡ, trao đổi cũng như nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho hội viên.

Phó thôn “4 trong 1”


Chị Trần Thị Xanh kiểm tra việc sử dụng vốn vay ngân hàng chính sách xã hội của hội viên.

Bị bệnh tim từ nhỏ nhưng sau khi gia đình chuyển vào sinh sống, lập nghiệp ở thôn 8 (xã Ea Ba, huyện Buôn Đôn) một thời gian, được người dân và Ban Tự quản thôn tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Phụ nữ, chị Trần Thị Xanh không ngần ngại nhận nhiệm vụ. Sức khỏe yếu lại không biết đi xe gắn máy nên gần 10 năm tham gia công tác Hội, cộng tác viên dân số, Phó thôn 8, chị Xanh không nhớ hết những lần nhờ chồng, chị em chở và cả đi bộ đến các gia đình để tuyên truyền, vận động. Hưởng ứng phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, năm 2010, Ban tự quản thôn 8 đã vận động người dân tự nguyện đóng góp xây dựng hội trường. Nhận thấy đa số người dân trong thôn sống bằng nghề nông, đời sống còn nhiều khó khăn nên để tạo sự đồng thuận, một mặt chị Xanh cùng Ban tự quản, người có uy tín trong thôn đi vận động từng gia đình, khu xóm, đồng thời tổ chức họp dân, lấy ý kiến về mức đóng góp, thiết kế, thi công, giám sát công trình. Không những vậy, chị Xanh đã phát huy tinh thần gương mẫu, tự nguyện đóng góp gấp đôi số tiền quy định (250.000 đồng/hộ). Nhờ đó, chỉ sau một thời gian ngắn, thôn đã huy động được 70 triệu đồng xây dựng hội trường rộng 84 m2, tạo nơi hội họp, sinh hoạt khang trang, rộng rãi cho người dân. Năm 2009, chị Xanh thôi công tác ở chi hội phụ nữ, chuyển sang làm Tổ trưởng vay vốn của thôn. Để hoàn thành tốt công việc khá mới mẻ này, chị không ngại học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước trong việc rà sát hộ nghèo nhằm xét cho vay vốn đúng đối tượng, thu hồi nợ đúng hạn; đồng thời tìm hiểu, giới thiệu nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cho chị em áp dụng…

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc