Multimedia Đọc Báo in

Chuyện dân số ở Cư Kbang: Đẻ nhiều, đẻ dày và... nghèo đói

05:43, 07/07/2012

Ở thôn 13, xã Cư Kbang (huyện Ea Súp), nơi cư ngụ của hơn 300 hộ đồng bào Mông di cư từ các tỉnh phía bắc vào, tình trạng kết hôn, mang thai sớm, đẻ dày, đẻ nhiều diễn ra khá phổ biến. Tư tưởng “đẻ nhiều con để sau này được nhờ” khiến cái nghèo đeo bám hầu hết các gia đình và đặt ra bài toán khó cho công tác dân số nơi đây.

Không có phương tiện giải trí cũng chẳng có chỗ để vui chơi,  những đứa trẻ ở thôn 13 chỉ biết túm tụm cùng chơi với nhau.
Không có phương tiện giải trí cũng chẳng có chỗ để vui chơi, những đứa trẻ ở thôn 13 chỉ biết túm tụm cùng chơi với nhau.

Năm nay mới bước vào tuổi 25, nhưng Lý Thị Phương ở thôn 13, xã Cư Kbang đã là mẹ của 4 đứa con, đứa lớn nhất 6 tuổi còn đứa út vừa tròn năm. Cả nhà có 6 miệng ăn, song kinh tế chỉ dựa vào nguồn thu từ vài sào ngô trồng trên đất mượn và tiền công lao động của người chồng đi làm thuê, vì vậy trong căn nhà tạm bợ không có vật dụng gì đáng giá. Đến giờ ăn, 5 mẹ con xúm xít bên nồi cơm với thức ăn duy nhất là chén nước lọc pha với muối, bột ngọt nhưng những đứa trẻ lem luốc vẫn ăn rất ngon lành, bởi trong cơn đói, có cái bỏ bụng đã là vui sướng lắm. Khó khăn, nghèo đói bủa vây là thế, nhưng khi được hỏi có ý định sinh con nữa không, Phương cười và trả lời bằng tiếng phổ thông chưa thạo: “Không biết nữa, có bầu thì phải đẻ chứ!”. 

Kết hôn sớm, đẻ nhiều, đẻ dày được xem là “đặc trưng” của đồng bào Mông ở thôn 13, những gia đình đông con nheo nhóc như gia đình Lý Thị Phương không phải là hiếm. Ngay cả những gia đình trẻ, cũng cố sinh thật nhiều con. Chẳng hạn như vợ chồng Ma Thị Día, cưới nhau được 5 năm và đã có 2 con, một trai một gái, nhưng khi hỏi chuyện con cái, Día liền nói: “Mình mới hơn 20 tuổi mà, phải đẻ 4 đứa con mới thôi. Đẻ nhiều sau này già, ốm mới có người nuôi mình chứ”. Khi được hỏi tiếp “Đẻ nhiều lấy gì cho chúng nó ăn?”, Día lại hồn nhiên đáp: “Chúng nó ăn ít lắm, không tốn nhiều đâu, với lại chồng mình đi làm thuê cũng có tiền mà…”. Cũng chung quan điểm ấy, chị Vưu Thị Vàng, một phụ nữ khác trong thôn cho biết: “Nhà phải có nhiều con mới vui chứ! Ngày xưa nhà mình cũng nghèo, đông người nhưng vẫn sống cả mà, không lo đói đâu!”. Vẫn biết, với những người phụ nữ ấy, chỉ cần có cái ăn là đủ nhưng nhìn những đứa trẻ áo quần lem luốc, ngồi bóc gói mì tôm khô ăn trừ bữa không ai không khỏi chạnh lòng. Theo chị Hoàng Thị Châm, cán bộ chuyên trách dân số xã Cư Kbang, đồng bào Mông di cư vào thôn 13 đã vài năm nay và hầu như năm nào cũng có những trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Tâm lý chung của những cặp vợ chồng này là muốn có con phụng dưỡng khi già yếu, vì thế những buổi tuyên truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình đối với họ cứ như “nước đổ…”. Được phụng dưỡng lúc về già đâu chưa thấy, chỉ biết rằng vì đẻ nhiều, đẻ dày mà gia đình nào cũng túng thiếu, con cái không được chăm sóc đầy đủ, cái ăn chưa đủ nghĩ gì đến vui chơi, học hành.

Có một thực tế là nhiều chị em đã nghe lời vận động của cộng tác viên sử dụng các biện pháp tránh thai như: đặt vòng, uống thuốc… nhưng vẫn có thai. Theo chị Châm, nguyên nhân không phải tại chất lượng dịch vụ mà chủ yếu là do người sử dụng các biện pháp tránh thai. Dù được cộng tác viên dân số hướng dẫn rất kỹ cách sử dụng nhưng do tập quán sinh hoạt, nhiều chị em đặt vòng tránh thai vẫn thường xuyên mang vác vật nặng, hoặc uống thuốc tránh thai thì ngày nhớ ngày quên… nên không có tác dụng. Bên cạnh đó, bất đồng ngôn ngữ cũng là một trong những rào cản lớn đối với công tác tuyên truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình. Hiện tại, số phụ nữ Mông ở thôn 13 biết tiếng phổ thông chỉ đếm trên đầu ngón tay, những người biết thì cũng nghe hiểu một cách bập bõm. Vì thế, mỗi lần sinh hoạt phụ nữ hay tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động, chị em đến tham gia khá đầy đủ nhưng hiệu quả đạt được lại không cao. Thời gian gần đây, Ban Dân số xã đã huy động lực lượng cộng tác viên dân số là người tại chỗ, song trình độ của những cộng tác viên này cũng ở mức có hạn nên tình hình không được cải thiện là mấy…

Có thể thấy, để giúp các hộ đồng bào Mông ở thôn 13 vươn lên thoát nghèo, ngoài sự hỗ trợ, đầu tư về kinh tế, vấn đề thiết yếu mà các ngành, các cấp địa phương cần quan tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hôn nhân gia đình, chính sách dân số, bởi còn đẻ dày, đẻ nhiều thì cái nghèo sẽ còn tồn tại.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.