Multimedia Đọc Báo in

Nỗi đau còn đó!

11:00, 30/07/2012

Năm 1988 khi còn ở Ea Kar, tôi đã quen biết anh Nguyễn Văn Hương ở thôn Quyết Tiến 1, xã Ea Tyh. Lúc đó khi dân Hải Hưng theo tiếng gọi của Đảng thực hiện di dân xây dựng Tây Nguyên, anh Hương - người lính lái xe ủi trên đỉnh Trường Sơn năm xưa giờ về mang vợ con đi kinh tế mới.

 Tôi còn nhớ khi ấy anh tuy thấp bé nhưng mạnh khỏe, khuôn mặt tròn, nước da ngăm ngăm đen. Anh mời tôi về căn nhà hai gian dựng tạm bằng cây rừng, lợp cỏ tranh là nơi trú ngụ của bốn người con nhỏ lít nhít với cô vợ cũng thấp bé, gầy nhưng có khuôn mặt phúc hậu và người mẹ già đã ngoài bảy mươi.

Anh kể: Sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo An Đông, xã Thái Hòa, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, đầu tháng 7 năm 1969 anh xung phong nhập ngũ, đến tháng 2 năm 1970 được bổ sung vào C12, Binh trạm 9, trực thuộc Bộ Tư lệnh Đoàn 559, chiến trường Bình Trị Thiên. Vì chiều cao “khiêm tốn” nên anh được cho đi học lái máy ủi bảo vệ đường. Thời gian này, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt lắm; cứ máy bay rải bom xong, tắc đường là cánh lái xe ủi T74 lại trườn ra mặt đường san lấp cho kịp thời gian thông xe. Nhiều lần ủi cả bom chưa nổ đẩy xuống thung lũng để thông đường. Chuyện bị bom vùi cả máy và người là chuyện thường ngày như cơm bữa. Tháng 11 năm 1970 anh phải vào viện điều trị vì bị sức ép nặng; hơn 2 tháng sau sức khỏe hồi phục lại trở về đơn vị cũ bám đường. Ta mở chiến dịch đánh mạnh ở chiến trường miền Nam, máy bay địch điên cuồng bắn phá ác liệt cả ngày lẫn đêm nhằm ngăn chặn con đường huyết mạch tiếp tế cho miền Nam và Tây Nguyên. Đơn vị của anh nhiều người ngồi trên ca-bin xe ba, bốn ngày không được nghỉ, liên tục bám mặt đường, khắc phục sự cố, đảm bảo thông xe. Có lần máy bay Mỹ rải chất độc làm rụng lá cây, rơi trắng đường như sương mù buổi sáng; nhiều anh em nôn mửa, đau đầu; có người sức yếu gục ngay trên tay lái. Thấy vậy, anh hét anh em cởi áo lót, tiểu tiện vào đó rồi đưa lên bịt mũi, rất hiệu nghiệm. Nhờ sáng kiến này mà các anh vượt qua vũ khí hiện đại của Mỹ, giữ vững cung đường, bảo đảm giao thông. Anh cũng đã từng được đơn vị bình bầu là Chiến sĩ thi đua, cử đi báo cáo thành tích. Có một lần anh được cấp trên cử đi học, vì ưu tiên thành tích dũng cảm bám chốt, bảo đảm giao thông thông suốt ở điểm ác liệt nhất của cung đường trong suốt một thời gian dài. Nhưng đi được năm ngày, anh bất ngờ trở về, thủ trưởng đơn vị hỏi: “Vì sao không học lại về?”, anh cười gãi đầu: “Đang đánh nhau ác liệt thế này, tôi còn khỏe, còn cầm lái thì phải cùng anh em làm chứ mấy thanh niên mới vào thiếu kinh nghiệm lên chốt chết, đau lắm. Chiến tranh xong đi học cũng không muộn”…

Vì công việc, lâu rồi tôi ít có dịp về thăm gia đình anh. Bây giờ gia đình anh đã khá giả có của ăn của để. Bỗng một hôm nhận được điện thoại vợ anh báo tin: Hình như anh bị nhiễm chất độc da cam và giờ mới bùng phát! Tôi vội thu xếp công việc về thăm anh. Đặt chân vào cửa, tôi không thể tin người đang ngồi lặng im trên chiếc ghế kia là anh. Thay vào hình dáng nhỏ con, có thể nói là hơi lùn một chút, cân nặng khi nào cũng chỉ trên bốn lăm đến dưới năm mươi kilôgam là cùng thì nay trông anh như một rô-bốt trong phim hoạt hình. Thấy tôi, anh hơi cau mày và nặng nề giơ tay lên bắt, bàn tay anh to gấp rưỡi bình thường, bắp tay còn to hơn cả bắp chân tôi. Khuôn mặt to lên và hai má xệ xuống, dài hơn cả cằm che lấp luôn cả cổ. Nơi yết hầu mọc lên một khối u to như quả dừa, thõng xuống ngực. Hai vai nhô cao, nổi lên hai cái u làm lưng anh hơi còng xuống trông rất đáng sợ. Anh vén chiếc váy đang mặc, vì bụng căng tròn như cái trống cái không mặc được quần nữa, để cho tôi xem hai chân như 2 chân voi...

Hình vóc của anh quá khủng khiếp, chắc trẻ con nhìn thấy thì cũng ... xỉu! Chị vợ anh cho biết đã làm đơn từ nhiều lần nhưng vẫn chưa được công nhận là nhiễm chất độc da cam vì không về đơn vị cũ lấy giấy xác nhận đã từng công tác trong vùng bị rải chất độc, một yêu cầu không thể thực hiện được bởi đơn vị cũ đã giải tán hơn 30 năm rồi. Còn đi ra Đà Nẵng để xét nghiệm thì đường sá xa xôi, sức khỏe yếu, sợ chưa ra đến nơi đã không còn cơ hội vào viện! Vợ con xót xa trước căn bệnh hiểm nghèo của anh, mong muốn được Nhà nước cho hưởng chế độ bị nhiễm chất độc da cam để động viên tinh thần, an ủi anh vượt qua những cơn đau giằng xé thịt da hàng ngày. Gia đình có đơn gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ea Kar đã lâu, nhiều lần đến hỏi thì được thông báo đã chuyển lên Sở rồi, gia đình an tâm... chờ! Nhưng thời gian không đợi, có lẽ chất độc da cam đã làm biến đổi zen trong anh. Anh bảo, đêm đêm như có hàng vạn con kiến đang bò, cắn xé trong xương trong tủy! Anh cắn răng chịu và chờ để có ngày được công nhận là bị nhiễm chất độc da cam, nhưng sự chờ mong ấy sẽ phải đợi đến bao giờ! Xin được chuyển điều trăn trở này đến các cơ quan hữu quan.

Nguyễn Hồng Chiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.