Multimedia Đọc Báo in

Lắng nghe cuối năm

08:30, 01/02/2013

Cuối năm ai cũng tất bật, gắng làm hết mọi việc trong năm cũ để đón cái Tết về trong niềm vui trọn vẹn. Với người nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn thì điều đó càng thúc bách hơn, bởi mùa vụ cứ xoay vần theo tự nhiên, không cho phép họ trể nãi một khắc nào. Tết đến, nhà nông tất bật hơn nhiều và họ cũng ấp ủ nhiều nỗi niềm, lắm ước mơ trong năm mới…

Chăm sóc vườn su hào  để có  khoản  trang trải  cho những tháng  giêng hai.
Chăm sóc vườn su hào để có khoản trang trải cho những tháng giêng hai.

Những ngày giáp Tết này, tôi vòng một lượt từ Ea Nhuôl vào Tân Hòa, sang Ea Bar (huyện Buôn Đôn) rồi trở ra Cư Êbua- Buôn Ma Thuột để cảm nhận đời sống của người dân vùng ven thành phố. Vợ chồng anh Phan Thế Hiệp (thôn 4-xã Tân Hòa) đang cố xuống giống lứa su hào cuối năm để đón Tết. Anh Hiệp tâm sự: không ai bận rộn như nhà nông, hết vụ này phải chuẩn bị cho vụ khác để có cái trang trải và chi tiêu cho những tháng giêng, hai sắp đến. Trên khoảnh vườn chừng bốn sào ấy, vợ chồng anh cứ quần quật với cây rau, đậu đủ loại cũng chỉ đủ ăn, chứ không tích lũy được bao nhiêu. Anh Hiệp chân tình: đầu tháng chạp vừa rồi, bốn sào cải ngọt trồng được cho thu nhập hơn ba triệu đồng, trừ chi phí giống má, công sá bơm tưới mất gần một nửa, còn lại phải thu vén lắm mới sắm sửa được cái Tết tàm tạm cho con cái. Ở vùng đất “thừa nắng, thiếu nước” này, một năm vài vụ rau cải, kiếm được khoảng chục triệu đồng là đã khá lắm rồi. Còn như nhiều người không có quỹ đất để thâm canh hoa màu, phải đi thuê đất để trồng sắn, trồng bắp thì đời sống bấp bênh hơn nhiều. Được mùa, được giá thì không nói làm gì, khi thiên tai, hạn hán ập xuống, cộng thêm rớt giá thì chỉ có nước… kêu trời! Tôi hỏi anh Hiệp: thế năm nay tình hình đời sống của bà con ở đây có khá hơn không? Anh bảo: Hai năm nay, người trồng mỳ, trồng bắp sống được. Mỗi hec ta cây trồng nói trên cũng cho thu nhập vài chục triệu đồng.

Trong câu chuyện với những người nông dân ở đây, tôi nhận ra đời sống của họ còn quá phụ thuộc vào thiên nhiên, trong đó nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là vấn đề cấp bách. Không đủ nước tưới, thậm chí kiệt nước vào những năm khô hạn đã khiến hàng nghìn hộ dân trong vùng lao đao. Và đó cũng là nguyên nhân làm hạn chế quy mô, năng lực phát triển các loại hàng hóa nông sản trên vùng quê giàu tiềm năng đất đai này. Có lần, ông Dương Văn Xanh-Phó chủ tịch huyện Buôn Đôn day dứt: các công trình thủy lợi trên địa bàn (chủ yếu là tích nước mưa) không thể nào chủ động được trong kế hoạch sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Còn kêu gọi tỉnh, thậm chí Trung ương hỗ trợ kinh phí để quy hoạch, xây dựng hệ thống thủy lợi mới thì không khả thi vì ngoài dòng Sêrêpôk ra, không còn sông suối nào có khả năng sinh thủy cả, đành chịu. Ngay cả dự án đào kênh mương đưa nước từ công trình thủy lợi Ea Dông (Cư M’gar) về thì cũng chỉ đến xã Ea Bar là cùng, chứ không thể ngược lên các xã Ea Nhuôl, Tân Hòa và trung tâm huyện Buôn Đôn được do năng lực thiết kế công trình thủy lợi Ea Dông có hạn. Vì thế, có thể nói ước mơ lớn nhất và canh cánh nhất của người nông dân ở đây trước sau vẫn là nguồn nước tưới cho các loại cây trồng. Nói như anh Hiệp, ước mơ ấy không biết bao giờ thành hiện thực, trước mắt chỉ mong sao trời cho “mưa thuận, gió hòa” để ai nấy chăm chỉ làm ăn, có tích lũy để hy vọng… 

Về Cư Êbua, được nghe những tâm sự của người dân ở vùng đất được xem là “nửa quê, nửa phố” ấy mới cảm thấy nặng lòng. Anh Nguyễn Thanh Toàn - thôn phó thôn 2 tâm tình: dịp cuối năm, cuộc sống của bà con trở nên bộn bề, tất bật hơn- người thì chạy ngược lên phố để buôn bán, kẻ đi vào tận Cư M’gar, Buôn Đôn xâm canh ruộng rẫy để mưu sinh, nên cái Tết chỉ thật sự đến khi công việc đã đâu vào đấy.        

Trong câu chuyện cuối năm với anh Toàn, ông Hồng, ông Diệp…tôi hiểu rõ thêm một phần tâm tư của họ về đời sống hôm nay. Ông Đoàn Quốc Diệp nói rằng: ngoài cà phê ra, xứ Châu Sơn này còn nổi tiếng với nghề nuôi hươu lấy nhung đã mấy năm nay. Và cũng nhờ nghề này mà những năm cà phê rớt giá, đời sống của bà con không đến nỗi nào. Cứ mỗi năm hai lượt cắt nhung, bình quân mỗi con hươu cho năm, bảy ký nhung là có thể sống được; tết đến xuân về cũng có chút điều kiện để sắm sửa! Vừa rồi, các cơ quan chức năng của thành phố Buôn Ma Thuột đã giúp đỡ người dân nuôi nai lấy nhung sắp xếp lại tổ chức sản xuất để đăng ký thương hiệu nhung nai cho Châu Sơn khiến ai cũng phấn khởi, vì từ nay mặt hàng đặc sản của xứ này có cơ hội vươn xa ra bên ngoài. Người dân được nâng cao thu nhập, chính sách đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi có điều kiện phát huy hiệu quả, nhất là việc hướng tới một nền sản xuất hàng hóa thật sự nhằm làm giàu cho mỗi gia đình và xã hội. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khó một nỗi là đàn nai ở đây không thể phát triển được nhiều hơn; mặc dù người dân rất có nhu cầu, nhưng không có vốn để mua giống, rồi còn kỹ thuật chăn nuôi và thú ý nữa… Bà Trần Thị Thanh Hương-Chủ tịch Hội nông dân xã Cư Êbua chia sẻ thêm: những hộ nuôi hươu ở đây muốn bắt tay nhau vào hợp tác để làm ăn, cùng nhau  lo toan mọi thứ, từ vốn liếng, con giống, kỹ thuật … cho đến tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhằm mục đích “nâng cấp” và tạo dựng thương hiệu thực sự cho nhung nai Châu Sơn vươn ra với thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngặt nỗi, ước mơ ấy không phải dễ dàng, phải được chính quyền thành phố đầu tư quan tâm hơn mới được. Chẳng nói gì xa vời, lỡ ra đàn hươu có bệnh gì lạ cũng chẳng biết kêu ai, bà con tự mày mò chữa lấy. Nếu được ngành thú y của tỉnh, của thành phố mở cho nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cũng như chữa bệnh cho hươu ở đây thì nhiều người mừng lắm!

Lắng nghe những tâm tư của những người nông dân hồn hậu và chất phác ấy, tôi lại nghĩ tới vấn đề “Tam nông” hiện đang được cả tỉnh cũng như cả nước triển khai, trong đó ba vấn đề lớn là “Nông dân-Nông nghiệp-Nông thôn” đã được quan tâm triển khai với nguồn lực và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Song, không hiểu sao những vấn đề thiết thân ấy chưa thật sự đồng hành với người nông dân ở các vùng khó khăn này. Câu hỏi đặt ra: vì sao vẫn còn bộ phận người nông dân còn nghèo, trong khi họ không thiếu đất đai và càng không chây lười, ỷ lại ? Phải chăng bên cạnh mặt bằng dân trí còn thấp, họ đang thiếu sự giúp đỡ thiết thực của các nhà quản lý, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp nên chưa thể giàu lên được, khiến hành trình vượt nghèo của họ còn lắm nỗi khó khăn. Chia tay với những con người giàu tâm sự ấy, tôi cảm thấy nặng lòng vì một lẽ: ai cũng ước muốn làm giàu cho chính mình và cho xã hội, có điều ước muốn ấy có thành hay không, còn phải được sự lắng nghe và chia sẻ của mọi người … 

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc