Xây dựng nông thôn mới ở huyện Ea Kar: Khơi dậy nguồn lực sức dân
Những con đường khang trang, rộng rãi, từng dãy nhà xây mọc lên san sát, nhiều cánh đồng, nương rẫy, trang trại phủ kín một màu xanh với những cây trồng, vật nuôi có giá trị…là điều dễ nhận thấy ở từng xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ea Kar sau hơn 2 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM). Những đổi thay đó bắt nguồn từ một chủ trương lớn đã khơi dậy, huy động được sức mạnh nội lực của chính quyền và người dân nơi đây.
Tình nguyện hiến đất mở đường
Đường giao thông thôn Thanh Bình (xã Ea Sar) do người dân tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công nâng cấp, mở rộng. |
Đưa chúng tôi đi trên con đường cấp phối rộng 8m, Trưởng thôn Thanh Bình (xã Ea Sar) Hà Xuân Đẹt không giấu được niềm vui: “Bà con trong thôn thường gọi đây là “Con đường tình nguyện”, vì từ con đường đất nhỏ hẹp, lầy lội trước kia, người dân đã tự nguyện hiến đất, góp công, dỡ bỏ hoa màu, tường rào xây dựng nên con đường rộng rãi như hôm nay”. Được UBND xã chọn là điểm huy động sức dân xây dựng đường giao thông nông thôn, thôn Thanh Bình đã tổ chức họp dân tuyên truyền, vận động, cùng thảo luận cách làm, mức đóng góp. Đồng thời, Ban tự quản, Ban phát triển thôn và những người có uy tín trực tiếp xuống từng hộ dân vận động, thuyết phục. Khi tư tưởng đã thông suốt, trên 190 hộ dân trong thôn cùng đồng lòng ký cam kết hiến 28.542 m2 đất, đóng góp thêm 500.000 đồng/hộ và hàng trăm ngày công để dỡ bỏ tường rào, cây cối, ban gạt nền đường... Chỉ sau một thời gian ngắn, 6,1 km đường nội thôn nhỏ hẹp trước kia đã được mở rộng 8m, có rãnh thoát nước hai bên với tổng trị giá đất, hoa màu, ngày công người dân đóng góp quy ra tiền khoảng 422 triệu đồng. Chị Lý Thị Khánh Hằng, một người dân trong thôn cho biết: “Người dân vừa là chủ thể cũng là người trực tiếp hưởng lợi từ Chương trình xây dựng NTM. Hiểu được chủ trương đó, gia đình tôi đã tự nguyện chặt bỏ một số cây ăn quả, hiến 1.000 m2 đất để góp phần xây dựng con đường rộng và thẳng đẹp hơn”.
Không chỉ người dân thôn Thanh Bình mà phong trào tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công làm đường giao thông nông thôn cũng phát triển rộng khắp ở 13 thôn, buôn trên địa bàn xã Ea Sar. Đến cuối năm 2012, toàn xã đã giải phóng được 90% mặt bằng các tuyến đường giao thông liên thôn, trong đó nhân dân tự nguyện hiến trên 11 ha đất, 3.300 cây lâu năm các loại và 690 ngày công với tổng trị giá trên 2,5 tỷ đồng. Ông Văn Đình Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mặc dù là một xã vùng 3, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 34% dân số nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đã tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và người dân trong xây dựng NTM. Nhờ vậy, phong trào thi đua làm đường giao thông, chỉnh trang cổng ngõ, tường rào, hệ thống thoát nước, giữ gìn vệ sinh môi trường, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng gia đình văn hóa... diễn ra sôi nổi góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn”. Với cách làm tương tự như trên, huyện Ea Kar đã khơi dậy nguồn lực sức dân cùng đóng góp xây dựng NTM. Trong 2 năm 2011 và 2012, người dân trên địa bàn huyện đã tự nguyện hiến gần 400.000m2 đất, 2.150m tường rào và sân bê tông, gần 22.000 cây trồng các loại, hàng ngàn ngày công lao động với tổng trị giá trên 15 tỷ đồng để nâng cấp, làm mới 248 km đường giao thông, 8 công trình thủy lợi, 27 phòng học và 6 công trình công cộng…
Chủ động phát triển sản xuất
Xác định việc thay đổi bộ mặt nông thôn không chỉ dừng lại ở hoàn thiện kết cấu hạ tầng, mà điều quan trọng là đời sống của người dân phải từng bước được cải thiện và nâng cao. Chính vì vậy, ngoài việc khuyến khích phát triển kinh tế hộ, huyện còn chỉ đạo các ngành, đoàn thể lồng ghép nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Các ngành chức năng của huyện đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, canh tác bền vững trên đất dốc, cải tạo đàn bò; xây dựng 143 mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp với tổng giá trị trên 1,4 tỷ đồng. Ông Hồ Tấn Cư, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện cho biết, thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Huyện ủy đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giao ngành Nông nghiệp và các ngành hữu quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, xây dựng, giới thiệu các mô hình mẫu để nông dân áp dụng. Trong đó, tập trung khuyến khích người dân phát triển cây ca cao, cà phê bền vững, trồng ngô lai, lúa lai, khoai tây, rau xanh, nuôi heo rừng lai, cá, gà siêu trứng… Gia đình anh Đặng Văn Chung ở thôn Điện Biên 3 (xã Ea Kmút) có 3 ha đất trồng hoa màu. Loay hoay chuyển đổi hết từ trồng các cây họ đậu sang trồng ngô đến cả cây bông vải nhưng cũng chỉ đủ ăn. Sau một lần được tham dự hội thảo trồng cây ca cao dưới tán điều, nhận thấy mô hình này thích hợp với điều kiện canh tác của gia đình, anh quyết định cải tạo đất chuyển sang trồng điều xen 1.000 cây ca cao. Đồng thời, để phòng tránh rủi ro trong sản xuất, gia đình anh còn mua thêm đất trồng cà phê, xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi hàng chục con heo nái và hàng trăm con heo thịt theo quy mô khép kín. Trang trại tổng hợp của gia đình anh đem lại lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm và đã được Hội Nông dân xã chọn làm điểm để tổ chức cho hội viên tham quan học tập, nhân rộng. Đến nay, 80% diện tích trồng điều (khoảng 220 ha) của xã đã được trồng xen cây ca cao.
Trang trại tổng hợp của gia đình anh Đặng Văn Chung (thôn 3, xã Ea Kmút) đem lại thu nhập ổn định trên 300 triệu đồng/năm. |
Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện Ea Kar đã có 3 xã đạt 7 tiêu chí, 2 xã đạt 6 tiêu chí, 2 xã đạt 5 tiêu chí, 4 xã đạt 4 tiêu chí và 3 xã đạt 2 tiêu chí. Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 cơ bản đạt chuẩn huyện NTM, Ea Kar đang nỗ lực hoàn thiện những cơ sở hạ tầng thiết yếu, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục đóng góp công sức, tiền của và hiến đất làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng các công trình công cộng, đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp…
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc