Multimedia Đọc Báo in

Vì sự yên vui của buôn làng

12:51, 25/08/2013

Bảo tồn và gìn giữ buôn làng truyền thống của các tộc người thiểu số trên địa bàn Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang là câu chuyện rất “nóng” được nhiều người quan tâm. Đứng trước sự mất - còn của không gian lịch sử, văn hóa cơ bản và quan trọng này, các bộ, ngành Trung ương cũng như chính quyền các cấp đã có những quyết sách căn cơ và kịp thời nhằm giải quyết nhiều vấn đề bức bách đặt ra.

Tăng “sức đề kháng” cho buôn làng

Ông Phạm Tâm Thanh - Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết: trong Đề án Bảo tồn không gian Văn hóa cồng chiêng (giai đoạn 2012-2015), ngành Văn hóa tỉnh đã bố trí kinh phí hàng chục tỷ đồng/năm để bảo tồn, tôn tạo các buôn làng truyền thống của người dân tộc bản địa. Còn buôn làng truyền thống thì mới mong gìn giữ được văn hóa cồng chiêng, hai thực thể văn hóa ấy có mối quan hệ khăng khít, luôn bổ sung cho nhau để tồn tại và phát triển. Nhiều người làm công tác bảo tồn cho rằng: phải tăng “sức đề kháng” cho buôn làng trước những áp lực của đời sống hiện đại nảy sinh, nhất là “cơn lốc” đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Buôn Akô D'hông (phường Thắng Lợi - Buôn Ma Thuột) - nơi bảo tồn  khá nguyên vẹn không gian buôn làng truyền thống.
Buôn Akô D'hông (phường Thắng Lợi - Buôn Ma Thuột) - nơi bảo tồn khá nguyên vẹn không gian buôn làng truyền thống.

Từ nhận thức trên, trong những năm 2004-2005, ngành Văn hóa đã phối hợp với chính quyền địa phương nỗ lực thực hiện Chương trình xây dựng nhà văn hóa cộng đồng cho gần 579 buôn làng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, con số hơn 90% buôn làng ở Dak Lak có nhà văn hóa cộng đồng để sinh hoạt và từng bước thực thi các thiết chế văn hóa cơ sở theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một động thái cần thiết để tăng “sức đề kháng” cho buôn làng nhằm bảo tồn và gìn giữ không gian truyền thống đặc sắc và độc đáo này. Ông Bùi Văn Khối - Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT-DL) trình bày thêm: ngoài việc xây dựng nhà văn hóa cộng đồng - “trái tim” của các buôn làng người dân tộc thiểu số, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - văn hóa khác cũng được các cấp, ngành phối hợp với sở chủ quản triển khai. Tiêu biểu như việc hỗ trợ, giúp đỡ các cộng đồng dân tộc bản địa xây dựng, hoàn thiện những luật tục, hương ước để lấy đó làm cơ sở pháp lý dẫn dắt và chi phối mọi thành viên trong quá trình bảo tồn và phát triển vốn di sản văn hóa của mình, trong đó nội dung gìn giữ và tôn tạo không gian truyền thống buôn làng luôn được mọi người quan tâm, hưởng ứng.

Có thể nói, những động thái tích cực ấy đã nhanh chóng mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người bản địa. Ví như trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, cách đây hơn mười năm, có không ít buôn làng (như Kô Siêr, Kô Tam, Păn Lăm, Dhă prông, Alê A và Akô D’hông…) vì nhiều nguyên nhân khác nhau, làm cho không gian buôn làng xưa bị biến dạng, mai một, thậm chí bị “xóa sổ”, thì nay đã dần được khắc phục. Cụ thể, tình trạng bê tông hóa nhà dài đã được hạn chế, quỹ đất và những yếu tố khác (như bến nước, cây cối, đường sá…) để tạo nên không gian buôn làng đúng nghĩa cũng được đầu tư, tôn tạo. Chẳng hạn như ở các buôn Akô D’hông, Alê A, Dhă prông, M’rơng A, Ea Bông, buôn Ky, buôn Nao, nhiều gia đình đã làm lại nhà dài truyền thống của dân tộc mình khi điều kiện kinh tế cho phép. Theo đó, bến nước và những mảng rừng trong nhiều buôn làng cũng được cộng đồng quan tâm gìn giữ và phát triển hơn. Theo Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trong số 29 buôn người Ê đê trên địa bàn có hơn 2/3 số buôn được công nhận danh hiệu Buôn văn hóa cấp thành phố. Có nghĩa là ở đó những thiết chế văn hóa đã được xây dựng và hoàn thiện; một số nội dung quan trọng như gìn giữ, bảo tồn hình thái văn hóa buôn làng truyền thống (nhà dài, bến nước, cây xanh, sinh hoạt cộng đồng…) được mọi thành viên cam kết thực hiện. Ông Nay Phi La - Phó chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột đánh giá: nhờ sự cộng đồng trách nhiệm ấy mà những buôn làng truyền thống của người Ê đê ở đây đã thật sự mang gương mặt mới, khang trang hơn nhưng không đánh mất giá trị văn hóa truyền thống của mình. Đặc biệt là vấn đề bảo tồn và gìn giữ nhà dài, ngoài việc cam kết với những người có trách nhiệm không phá bỏ nhà dài, bà con còn nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy yếu tố văn hóa này ngày càng sâu rộng hơn. Như chị H’Linh (buôn Akô D’hông - phường Thắng Lợi) tâm sự: “khi có điều kiện, chị không ngần ngại bỏ tiền tỷ để làm ngôi nhà dài bề thế như hiện nay. Quay lại với ngôi nhà dài xưa đồng nghĩa với việc trân trọng và gìn giữ vốn quý của ông bà để lại”. Mí Chiu (buôn Alê A-phường Ea Tam) cũng cùng chung suy nghĩ ấy khi bà tích cóp cả đời để làm lại ngôi nhà dài cho con cháu. Theo mí Chiu, khi buôn làng được bảo tồn, tôn tạo thì các giá trị văn hóa của các cộng đồng dân tộc ở đây có điều kiện sống dậy và lan tỏa cho con cháu mai sau…

Vẫn còn thách thức

Nghệ nhân dân gian Y Míp Niê (buôn Kô Siêr) cho rằng: thách thức lớn nhất vẫn là “bài toán” giữa bảo tồn và phát triển! Thực tế cho thấy, không phải buôn làng nào cũng dễ dàng vượt qua thách thức ấy do điều kiện sống đang trên đà thay đổi, thậm chí có dấu hiệu phân hóa sâu sắc trong tổ chức đời sống xã hội của cộng đồng người thiểu số ở đây. Dễ thấy nhất là không gian của buôn làng hiện nay có xu hướng “teo tóp” lại do áp lực tăng dân số tự nhiên cũng như cơ học. Nhất là với những buôn làng nằm trong phố xá, thị trấn và thị tứ thì xu hướng trên càng tăng tiến nhanh và rõ ràng nhất.

Ví dụ như việc bảo tồn, tôn tạo nhà dài - nét kiến trúc độc đáo và trung tâm nhất của buôn làng đang gặp phải những khó khăn thật sự. Đó là quỹ đất không còn nhiều, suy nghĩ cũng như cung cách sinh hoạt của nhiều thế hệ trong một gia đình truyền thống đã khác xưa và cuối cùng là việc mưu sinh hằng ngày của bà con đã trở nên bức bách hơn, khiến nhiều người xa rời các yếu tố văn hóa truyền thống. Già Y Ngoan (buôn Kô Tam) dẫn chứng: sự mất mát văn hóa nhà dài là một thực tế. Chưa nói đến yếu tố vật liệu, cấu kiện… cũng như quỹ đất hạn hẹp để làm một ngôi nhà dài, mà chỉ tính đến nhu cầu tối thiểu ( ăn, ở) của nhiều gia đình trong buôn cũng là chuyện nan giải đối với việc bảo tồn nhà dài và không gian văn hóa của chính dân tộc mình. Già Y Ngoan chia sẻ: con cái ông đã lớn, có đứa đã dựng vợ, gả chồng đều có nhu cầu ở riêng nên nhà dài không thể nối thêm, mà phải tách hộ. Đất đai còn ít, đành phải cất ngôi nhà trệt cấp bốn bình thường để ở, thành ra vô tình (cũng có khi cố ý) phá vỡ không gian chung của buôn làng. Mà không riêng gì gia đình ông, nhiều gia đình khác cũng vậy, kết cục là tự mình đánh mất những gì đã có. Còn câu chuyện nhà ông Y Ka Byă (buôn Trí - xã Krông Ana-Buôn Đôn) lại khác, nhưng cũng không vượt ra khỏi thách thức ấy. Y Ka tâm sự: muốn giữ cái nhà dài lắm chứ, khổ nỗi làm theo ý nguyện của mình thì vợ con không có chỗ buôn bán được, đành phải xây ngôi nhà trệt kiếm đường mưu sinh tại khu du lịch Bản Đôn hiện nay.

Có thể nói, những thách thức trên đang là trở ngại lớn nhất trong vấn đề bảo tồn, gìn giữ không gian buôn làng truyền thống của các cộng đồng người bản địa ở Dak Lak. Giải quyết được điều đó, đòi hỏi sự quan tâm, tiếp sức của các cấp, ngành liên quan bằng những chủ trương phù hợp và kịp thời như: khảo sát, đánh giá toàn diện hiện trạng các buôn làng, nhất là buôn làng cổ, nổi tiếng trên địa bàn tỉnh hiện nay. Qua đó tính toán và hướng đến việc quy hoạch tổng thể, lâu dài cho không gian văn hóa đặc sắc này, đồng thời định ra cơ chế đặc thù cho từng địa phương trong công tác bảo tồn, gìn giữ không gian buôn làng như một di sản văn hóa thật sự. Có quyết tâm như vậy hy vọng đời sống văn hóa-xã hội của đồng bào trong các buôn làng sẽ thật sự vui vẻ và hạnh phúc…

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.