Bảo hiểm y tế cho đối tượng cận nghèo: Ích lợi nhiều nhưng làm vẫn khó!
Bảo hiểm y tế là chính sách an sinh đặc biệt có ý nghĩa trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Giá trị thiết thực của chính sách an sinh này càng được khẳng định khi nó đã trở thành cứu cánh của nhiều người nhất là không may họ mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức và ý thức được nên việc mở rộng bảo hiểm y tế, đặc biệt cho đối tượng cận nghèo vẫn còn chậm…
Kết hôn chưa được một năm, anh Phạm Xuân Quý, nhà ở xã Krông Nô, tỉnh Dak Nông, hiện thuê trọ tại phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột phát hiện mình bị suy thận. Gần nửa năm nay, định kỳ vào thứ 3 và thứ 6 hằng tuần anh phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị bằng phương pháp chạy thận nhân tạo. Vợ chưa có việc làm, đang theo học nghề cắt tóc, bản thân anh làm nghề thợ sơn, bao nhiều tiền bạc kiếm được, chưa ấm túi đã phải đổ dồn vào việc chữa bệnh. Anh Quý cho hay, trước đây cũng do chủ quan, mình còn thanh niên trai tráng, khỏe mạnh, có mấy khi ốm đau nên chẳng để ý gì đến chuyện mua thẻ bảo hiểm y tế, mua mà không dùng rồi cũng lãng phí. Nhưng đến khi đổ bệnh, chi phí mỗi lần chạy thận lên đến hàng triệu đồng, hai tháng điều trị không có thẻ bảo hiểm, gần 80 triệu đồng vay mượn để đi chạy chữa đã khiến bố mẹ và vợ chồng anh lao đao. Kể từ tháng 6 vừa rồi, sau khi tham gia bảo hiểm y tế, chi phí mỗi lần đi chạy thận của anh đã giảm, chỉ còn khoảng 200 nghìn đồng/lần. Sự đau đớn, mệt mỏi về bệnh tật và nỗi lo lắng, vất vả khi trầy trật kiếm tiền chữa bệnh, hơn ai hết anh Quý thấm thía ý nghĩa, ích lợi của việc tham gia bảo hiểm y tế. Anh Quý tâm sự, không có thẻ bảo hiểm hỗ trợ thanh toán thì anh không biết sẽ phải xoay xở như thế nào, ốm do bị bệnh một nhưng ốm vì lo chuyện tiền chạy chữa mười. Từ bài học sống của bản thân mình, anh sốt sắng bảo vợ và bố mẹ tham gia bảo hiểm y tế bởi không ai học được chữ ngờ, bệnh tật chẳng chừa một ai.
Bảo hiểm y tế là chính sách an sinh xã hội cốt cán hỗ trợ người dân chăm sóc sức khỏe. |
Còn với em Trần Thị Phi Long ở thôn 1, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, gần 3 năm nay cuộc sống của em gắn liền với bệnh viện. Tốt nghiệp đại học ngành tài chính kế toán năm 2011 với tấm bằng khá trong tay, hy vọng ra trường xin việc làm sẽ kiếm tiền để giúp đỡ bố mẹ nhưng chưa thực hiện được thì em phát bệnh. Triệu chứng ban đầu là Long thấy mình uống rất nhiều nước, trung bình mỗi ngày uống đến gần 10 lít nước, rồi đi tiểu liên tục, người mệt mỏi, không có sức làm việc. Trên đầu Long có hiện tượng khi sờ vào rất mềm, có cảm giác bùng nhùng. 6 tháng trời, gia đình đưa em đi bấm huyệt, rồi thăm khám nhiều nơi. Chỗ thì kết luận Long bị bệnh đái tháo nhạt, chỗ lại cho rằng em bị u da mỡ bình thường trên đầu. Thấy mình vẫn uống nước nhiều một cách bất thường, không uống là cổ họng khô rát không thể chịu được, Long đi siêu âm, chụp CT và làm một số xét nghiệm thì phát hiện mình bị u đa tủy, một bệnh hiếm gặp. Sau khi xạ trị, hiện một tháng Long phải vào Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh để truyền hóa chất. Theo phác đồ điều trị, Long phải truyền cả thảy 64 toa thuốc, truyền trực tiếp vào xương, giá mỗi toa 23 triệu đồng. Mặc dù đã được bảo hiểm y tế theo chế độ hộ nghèo thanh toán phần lớn chi phí nhưng từ ngày phát bệnh bố mẹ em đã phải bán 6 mét đất, được hơn 300 triệu đồng để có tiền chạy chữa cho con. Ấy vậy mà rồi vẫn thiếu trước hụt sau. Ông Trần Viết Hùng, bố của Long bùi ngùi: “Tôi làm nghề chạy xe thồ, mẹ em nó thì buôn bán rau ngoài chợ. Nhà bốn đứa con, một đứa bị câm điếc bẩm sinh, còn Long thì bị u đa tủy. Tất cả gia sản là ít đất vườn để trồng rau có thêm đồng ra đồng vào, rồi cũng phải bán để chữa bệnh cho con. Nếu không có bảo hiểm y tế thì có lẽ cũng đành nhắm mắt buông xuôi thôi, vì giỏi lắm trung bình một ngày cả hai vợ chồng tôi kiếm được hơn trăm ngàn, trong khi giá mỗi toa thuốc lên đến tiền triệu”.
Vì nghèo khó nên thiếu mặn mà
Thực tế câu chuyện chăm sóc sức khỏe cũng cho thấy rất nhiều người còn thờ ơ với bảo hiểm y tế, chưa coi đó là việc thiết yếu hoặc có thể gọi là việc phòng thân. Mua bảo hiểm y tế không phải ai cũng dựa trên nhận thức, ý thức được ý nghĩa của chính sách an sinh này mà tham gia một cách tự nguyện. Đa số người dân thuộc đối tượng tự nguyện chỉ khi ốm đau hoặc có nguy cơ ốm đau cao mới tham gia BHYT, số người tham gia BHYT để dự phòng rủi ro chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vậy nên mới có những trường hợp chuẩn bị sinh nở thì tham gia, mẹ tròn con vuông, thấy sức khỏe ổn định thì sau đó lại thôi. Việc tuyên truyền về bảo hiểm y tế tự nguyện nhân dân nhất là đối với đối tượng cận nghèo gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, người thuộc hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế mới xấp xỉ 2% cho dù quy định mức hưởng của đối tượng này đã được nâng lên so với trước đây. Có rất nhiều lý do để người cận nghèo chưa mặn mà tham gia bảo hiểm y tế, trong đó có vấn đề nhận thức. Nhưng một nguyên nhân bao trùm, phổ biến với đối tượng này là những khó khăn về tài chính. Họ phải làm việc với tốc độ và cường độ cao để mưu sinh, không có điều kiện thường xuyên chăm sóc sức khỏe, chỉ đến khi không thể gắng gượng được nữa mới đi khám và điều trị thì bệnh tình đã nặng, lúc ấy mới vội vàng đi đăng ký mua bảo hiểm y tế. Một số đại lý thu bảo hiểm y tế tự nguyện ở các xã, phường, thị trấn cho biết: Khi đi tuyên truyền, vận động đối tượng hộ cận nghèo tham gia mua bảo hiểm y tế, có người tâm sự, họ hiểu ý nghĩa của việc này nhưng cái khó bó cái khôn, họ chưa thể tham gia, do kinh tế eo hẹp trong khi có bao nhiêu khoản phải chi tiêu, buộc họ phải cân nhắc, việc gì chưa cần kíp thì tạm gác.
Có lẽ cũng từ những khó khăn trong mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nhất là với hộ cận nghèo, vừa qua đóng góp vào dự Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho rằng việc quy định mức cùng chi trả 5% đối với một số nhóm đối tượng như người nghèo, người thuộc diện bảo trợ xã hội… và 20% đối với thân nhân người có công, người thuộc hộ cận nghèo đã hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh và khả năng chi trả của người bệnh, nhất là những người mắc các bệnh nặng, mạn tính do không có khả năng chi trả. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị dự luật bổ sung quy định nâng mức hưởng của thân nhân người có công, người thuộc hộ cận nghèo từ 80% lên 95% và nâng mức hưởng của người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội từ 95% lên 100% để họ có khả năng tiếp cận dịch vụ y tế.
Xã hội đang chờ đợi những điều chỉnh, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế để chính sách an sinh này được “thuận buồm xuôi gió” trong mục tiêu tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Tuy nhiên, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế đề phòng rủi ro, góp phần chăm sóc sức khỏe bản thân. Trường hợp của anh Quý, em Long chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo nhờ tham gia bảo hiểm nên đã được hỗ trợ, giải quyết phần lớn khó khăn về chi phí điều trị. Xin được mượn lời của ông Trần Viết Hùng, bố em Trần Thị Phi Long đang bị u đa tủy để làm thông điệp cho bài viết này: “Nếu không có chính sách, chế độ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, tôi vẫn nhất định mua bảo hiểm y tế cho cả nhà vì nếu cứ tiếc một đồng bảo hiểm rồi không tham gia nhưng khi có bệnh mới thấy khốn đốn như thế nào!”.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc