Đằng sau ánh đèn màu
Nhắc đến bar hay vũ trường là người ta lại nghĩ ngay đến một nơi giải trí của giới lắm tiền nhiều của. Thế nhưng đằng sau ánh đèn màu hấp dẫn của các vũ trường, quán bar hằng đêm là muôn vấn đề cần bàn đến.
Kỳ I: Vào chốn “phồn hoa”
Tôi không phải là dân chơi, cũng không giàu có, chẳng phải là một người sành điệu và lắm tiền, nhưng với tính thích khám phá và được theo chân mấy anh bạn nên có được đôi lần ghé thăm một vài vũ trường của TP. Buôn Ma Thuột cho biết thế nào là chốn ăn chơi của giới đốt tiền.
Bar là điểm đến của giới trẻ lắm tiền nhiều của. |
Theo đánh giá của một số dân chơi, tại Buôn Ma Thuột hiện có khoảng 3 quán bar thuộc dạng “tầm cỡ”. Ở đó dường như là một thứ “đặc sản” sống đêm của không ít người. Khi mà đường phố vắng hoe, còn chăng là mấy chị lao công cần mẫn quét đường dưới sương đêm thì phía trong những tụ điểm ăn chơi là cả rừng người quay cuồng dưới ánh đèn màu, trong tiếng nhạc đinh tai buốt óc. Nằm khuất trong một nhánh của đường Ngô Quyền, bar T.V lâu nay được giới ăn chơi chọn là điểm đến yêu thích. Dĩ nhiên bar hay vũ trường là nơi tập trung nhiều giới trẻ, những cậu ấm cô chiêu có “kỹ năng” tiêu tiền và biết chơi. “Độ chơi” của các cô cậu cũng được thể hiện qua việc chọn bar, chọn rượu. Không phải ngẫu nhiên mà những bar như T.V là địa chỉ đang “hot”. Sở dĩ bar T.V thu hút được đông đảo khách hàng, nhất là giới trẻ, là bên cạnh hệ thống âm thanh, ánh sáng tương đối chuẩn, nơi đây được xem là có “phong cách chơi” khá thoáng. Thông thường bar T.V chỉ thực sự sôi động từ sau 21 giờ. Đó là lúc thực khách ở các nhà hàng, quán nhậu đã qua một chầu “tưng tưng” và muốn chuyển sang một “tăng” khác hấp dẫn hơn. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến đây là cảm nhận “khách hàng là thượng đế” theo đúng nghĩa. Khách hàng được đón tiếp trọng thị ngay từ cửa ra vào. Phía sau cánh cửa kính là một thế giới náo nhiệt, khác xa với dáng vẻ im ắng bên ngoài. Bước chân qua cửa bảo vệ của quán bar, dưới ánh đèn led đủ màu và tiếng nhạc chát chúa đến tức ngực, dân chơi gần như trở thành một đứa trẻ được nuông chiều. Những nhân viên lịch lãm, rồi cả những chân dài trong trang phục nóng bỏng sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Ở đó chỉ cần đưa ánh mắt nhìn vào khoảng không đâu đó thì đã có người bước tới khoanh tay cúi tai sát xuống để lắng nghe.
Đã như là luật, sau khi khách gọi đồ uống, tùy theo số lượng người trong bàn sẽ có các nhân viên nữ xinh tươi, ăn mặc mát mẻ cùng đứng chung vui. Thế nhưng, ở chốn này quy luật đồng tiền thể hiện rất rõ. Bàn nào có chai rượu ngoại thì dĩ nhiên được săn đón và chăm sóc tận răng, ngược lại trên bàn chỉ có vài lon bia Heineken cùng đĩa trái cây thì không hẳn là bị hắt hủi, nhưng sự “hết mình” cũng có chừng mực. Nói vậy không có nghĩa bia ở đây là rẻ. Giá mỗi lon bia Heineken trong bar luôn đắt gấp đôi, gấp ba lần so với các nhà hàng, khách sạn. Thế nhưng nếu so với một chai rượu ngoại thì chẳng thấm tháp vào đâu. Để có thể sử dụng một chai rượu ở đây, chí ít khách hàng phải bỏ ra ít nhất là từ 3 đến 5 triệu đồng tùy theo loại rượu. Nếu tửu lượng tốt hoặc đi đông người, mỗi buổi “chơi” như vậy cũng tốn cả chục triệu đồng là bình thường. L.A.D, nhân viên một công ty bảo hiểm lớn tại TP. Buôn Ma Thuột vốn là một “tay chơi” có tiếng ở các quán bar tâm sự, nếu tiền bạc không được đầy túi thường xuyên thì giỏi lắm cũng chỉ “bám càng” ở bar được vài lần. Bởi ngoài khoản tiền bia rượu, muốn trở thành khách VIP còn phải “chi đẹp” cho những nhân viên đứng cùng bàn mình. Khi bar Y.N còn hoạt động, L.T.T được các nhân viên, nhất là nhân viên nữ ở đây gọi bằng “cái tên trìu mến” là “anh hai”. Sở dĩ T “chết” cái tên ấy là bởi mức độ “chơi đẹp” của anh. Vốn là nhân viên một ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn lại chưa lập gia đình nên tiền bạc với T lúc nào cũng rủng rỉnh. Khả năng “đốt tiền” của T cũng khỏi bàn. Gần như đêm nào T cũng có mặt ở bar Y.N. Và mỗi lần đi chơi như vậy, T luôn hào phóng rút những tờ tiền polyme mới cứng boa cho các nhân viên phục vụ.
Với một nơi mà “tiền luôn là chuyện nhỏ” như vậy, trong sàn đi đâu cũng có người săn sóc đã đành, ở mấy chỗ “tế nhị” cũng có luôn đội ngũ nhân viên chào đón. Ở phòng đi vệ sinh, khi đứng trước gương để rửa mặt thì ngay lập tức có người xé cái khăn lạnh đắp lên cổ rồi nhanh tay mở vòi nước để khách rửa tay. Trên bồn rửa mặt luôn có sẵn cái đĩa lớn đựng tiền, đó là tiền boa cho những cử chỉ tận tình, chu đáo này. Theo quan sát, trên chiếc đĩa này có đủ loại mệnh giá tiền, 10 nghìn, 20 nghìn, 50 nghìn…và cả những tờ 100, 200 nghìn đồng cũng có. Nói “có tiền mua tiên cũng được” cũng đồng nghĩa với việc tiền ít là sẽ khó mà trở thành VIP giữa chốn xa hoa này.
(Còn nữa)
Kỳ II: Giữa hai mảng sáng - tối
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc