Xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột): Xây dựng nông thôn mới từ nguồn lực sức dân
Cùng Bí thư Chi bộ thôn 11 Vũ Tiến Khoa đi thăm một vòng quanh thôn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi nơi đây không khác gì phố thị với những con đường được quy hoạch theo ô bàn cờ đã được thảm nhựa hoặc bê tông hóa rộng rãi, nhiều căn nhà xây kiên cố, khang trang và nhiều cửa hàng kinh doanh, dịch vụ được mở ra. Ông Khoa chia vui: Có được sự đổi thay này phần lớn cũng nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Sở dĩ như vậy là vì trước đây các trục đường liên thôn của 10 cụm dân cư đều là đường đất nhỏ hẹp, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Từ khi xã phát động chương trình xây dựng nông thôn mới và chọn thôn 11 làm điểm, cấp ủy, ban tự quản thôn đã khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế, sắp xếp việc thực hiện các tiêu chí theo thứ tự ưu tiên, xây dựng nghị quyết chuyên đề nêu rõ biện pháp triển khai thực hiện trong từng năm và cả giai đoạn. Đến cuối năm 2011, thôn 11 chỉ còn 3 tiêu chí chưa đạt gồm: cơ sở vật chất văn hóa, giao thông và môi trường. Theo ông Khoa, để sớm hoàn thành 3 tiêu chí này không thể chỉ trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước mà cần phải huy động sức dân cùng làm. Chi bộ, ban tự quản và các đoàn thể đã tổ chức họp toàn dân để tuyên truyền, phổ biến về chương trình xây dựng nông thôn mới; sau đó phân công các đồng chí trong cấp ủy tham dự họp với từng cụm liên gia nhằm giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của người dân; in và phát tờ rơi đến các hộ gia đình nên đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân.
Chỉ trong 2 năm 2012 và 2013, các hộ dân thôn 11 đã tự nguyện hiến 559 m2 đất, dỡ bỏ tường rào, hoa màu, đóng góp ngày công và gần 800 triệu đồng để cứng hóa toàn bộ 7 km đường nội thôn, mở rộng đường từ 4-9 m, trong đó các trục đường ở cụm dân cư số 1, 3, 5, 7, 8, 9, 10 đã được thảm nhựa hoặc bê tông hóa. Ông Đặng Hanh, một đảng viên nghỉ hưu ở cụm dân cư số 1 cho biết: “Phát huy vai trò của đảng viên, gia đình tôi đã thống nhất tự bỏ ra 110 triệu đồng thuê nhân công bê tông hóa 110m đường trong cụm dân cư. Một hộ khác là gia đình ông Sinh cũng tự nguyện đầu tư 70 triệu đồng để bê tông hóa 80m đường còn lại. Nhờ vậy, con đường đã được láng bê tông sạch sẽ, thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, bà con ai cũng phấn khởi”. Bên cạnh đó, các hộ dân trong thôn còn đóng góp 500.000 đồng/hộ để xây dựng hội trường, các đảng viên ủng hộ thêm từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng/người để mua sắm các trang thiết bị như bàn ghế, loa đài, phông màn, khẩu hiệu. Từ việc huy động sức dân, đến nay thôn 11 là thôn đầu tiên của xã đạt 15/15 tiêu chí nông thôn mới.
Phát huy lợi thế, xã Hòa Thắng chọn sản xuất, cung ứng giống cây trồng là mũi nhọn trong phát triển kinh tế. |
Không chỉ ở thôn 11, các thôn, buôn còn lại trên địa bàn xã cũng áp dụng tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng đường giao thông, hội trường thôn, cơ sở vật chất trường học, mắc điện chiếu sáng đến quy hoạch khu dân cư, giữ gìn vệ sinh mội trường… Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Loan cho biết: ngay sau khi được chọn làm xã điểm, chính quyền địa phương đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới cấp xã và Ban Phát triển trên địa bàn 11 thôn, buôn. Xã đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban Quản lý phụ trách địa bàn từng thôn, buôn cùng phối hợp với Ban Phát triển tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân cùng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài việc tuyên truyền các văn bản, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tập hợp những tập thể, cá nhân đóng góp hiệu quả để kịp thời biểu dương, tuyên truyền, nhân rộng điển hình. Cùng với đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc làm công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về chủ trương xây dựng nông thôn mới bằng cách lồng ghép trong các cuộc họp, giao ban, hội nghị; tranh thủ tiếng nói của già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín trong cộng đồng dân cư… nhằm tạo sự đồng thuận cao. Khi triển khai từng tiêu chí, xã luôn đề cao vai trò của người dân, từ họp bàn, thực hiện đến kiểm tra, giám sát nên mọi người đều thấy rõ lợi ích và trách nhiệm của mình. Trong phát triển kinh tế, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống mới có năng suất cao, khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh mở rộng kinh tế trang trại và các loại cây công nghiệp, xã đã định hướng cho người dân phát triển sản xuất, cung ứng giống cây trồng và nghề trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh, xem đây là mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Nhờ vậy, thu nhập bình quân của người dân trong xã đã đạt 22,7 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm từ 256 hộ cuối năm 2012 xuống còn 116 hộ đầu năm 2014.
Qua rà soát, cuối năm 2013 xã Hòa Thắng đã được UBND TP. Buôn Ma Thuột công nhận đạt 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phấn đấu đến cuối năm nay đạt thêm 4 tiêu chí nữa là: môi trường, y tế, trường học, xây dựng hệ thống chính trị; các tiêu chí còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2015. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Loan, để chương trình xây dựng nông thôn mới của xã cán đích đúng thời gian, xã tiếp tục huy động sức dân xây dựng cơ sở hạ tầng, giao chỉ tiêu xóa 19 nhà tạm còn lại cho từng hội, đoàn thể và vận động sự tham gia hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Đối với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, mặc dù các thôn đều đã có hội trường, nhưng để đáp ứng yêu cầu phải có khu phụ trợ, luyện tập, giao lưu văn hóa, thể thao rộng 1.500 m2, xã đề ra giải pháp xây dựng khu văn hóa - thể thao liên thôn. Với cách làm như trên, tin rằng xã Hòa Thắng sẽ hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2015.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc