Multimedia Đọc Báo in

Buôn nghèo vùng sâu khởi sắc

14:59, 07/07/2014
Buôn Tul, xã Yang Mao (huyện Krông Bông) có 93 hộ, 461 khẩu với đa số là người dân tộc M’nông. Trước đây, buôn Tul là một trong những buôn nghèo và khó khăn nhất của xã Yang Mao; tỷ lệ hộ nghèo cao với nhiều cái “không” như không điện, không đường, không trường, không nước sạch… Tuy nhiên, nhờ sự đồng lòng vượt khó, hiện nay buôn Tul đã có những bước chuyển đáng ghi nhận và trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới ở xã Yang Mao.
 
Về buôn Tul hôm nay, có thể thấy rõ sự khởi sắc nơi này. Con đường vào buôn lầy lội, đầy ổ gà trước kia không còn nữa; thay vào đó là đường rải bê tông sạch sẽ từ đầu đến cuối buôn, các đường nội buôn cũng được đổ cấp phối đến ngõ từng hộ, điện đường sáng rực khi đêm về... Hơn 30 ha lúa nước được bà con canh tác nhờ hệ thống thủy lợi Ea M’hat đưa vào sử dụng; diện tích đất trồng ngô, trồng sắn và các loại cây dài ngày như cà phê, hồ tiêu cũng được mở rộng. Bên cạnh đó, lợi thế đất rộng được bà con trong buôn tận dụng để phát triển chăn nuôi trâu, bò. Theo thống kê, mỗi hộ trong buôn có bình quân gần 1,5 ha đất sản xuất; cả buôn có 70 con trâu, 280 con bò và nhiều gia cầm. Không ít hộ đã xây dựng được nhà sàn gỗ khang trang, mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ  sinh hoạt và sản xuất; 100% hộ được dùng điện lưới quốc gia và nước sạch. Anh Ama Yu La, Trưởng buôn Tul cho biết: “Bà con trong buôn rất chăm chỉ làm ăn. Tỷ lệ hộ nghèo từ trên 70% năm 2010, đến nay giảm xuống còn 30%. Nhiều hộ đã mua máy móc để áp dụng vào sản xuất. Có 21 gia đình trong buôn mua xe công nông để cày đất, chuyên chở, tưới nước phục vụ gia đình và hỗ trợ những hộ trong buôn chưa có điều kiện mua sắm. Hầu hết các gia đình đã mua được xe máy, ti vi”.
Một căn nhà sàn của bà con buôn Tul được xây dựng khang trang.
Một căn nhà sàn của bà con buôn Tul được xây dựng khang trang.

Có thể nói, sự “thay da, đổi thịt” ở buôn đặc biệt khó khăn có được là nhờ sự đồng thuận của bà con trong buôn. Mấy năm vừa qua, bà con ở đây có nguồn thu nhập ổn định từ việc nhận trồng mới hàng chục héc-ta rừng; bảo vệ hàng nghìn héc-ta rừng nguyên sinh. Số tiền công, tiền lợi nhuận sau khai thác rừng, tiền bảo vệ nguồn lợi môi trường rừng được bà con trích lại một phần, góp vào “Quỹ cộng đồng”, gửi ngân hàng lấy lãi để trang trải chi phí cho những công việc của buôn. Từ nguồn quỹ này, bà con đã xây được cổng buôn văn hóa, xây dựng 42 trụ đèn đường, nộp tiền điện đường hằng tháng, sửa chữa nhà văn hóa cộng đồng… Vừa qua, Dự án phát triển lâm nghiệp vùng Tây Nguyên (FLITCH) đã đầu tư xây dựng cho bà con buôn Tul công trình nước sinh hoạt tự chảy với kinh phí gần 4 tỷ đồng. Ama Thảo, Phó Bí thư Chi bộ buôn Tul vui mừng tâm sự: “Được như hôm nay là nhờ sự quan tâm của cấp trên, sự nỗ lực tuyên truyền, vận động của ban tự quản và các tổ chức đoàn thể mới có được sự đồng thuận cao trong bà con. Một số gia đình trong buôn tuy còn gặp khó khăn nhưng vẫn tự nguyện hiến đất làm đường, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ công dân, tham gia các hoạt động cộng đồng để làm cho bộ mặt buôn làng ngày một khang trang, sạch đẹp”.

Buôn Tul đã được công nhận là Buôn Văn hóa năm 2010. Suốt 3 năm qua, buôn Tul luôn được UBND xã Yang Mao tặng giấy khen về thành tích xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; Chi bộ của buôn 3 năm liền được công nhận trong sạch vững mạnh. Những nếp nhà sàn truyền thống ở đây vẫn đang được bà con gìn giữ; tiếng cồng, tiếng chiêng vẫn nổi lên mỗi khi có lễ hội; tiếng lách cách đều đều của khung dệt thổ cẩm vang lên mỗi khi nông nhàn. Ông Ama Ngơn, Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn Tul cho biết: “Hiện nay cả buôn vẫn giữ được 12 bộ chiêng, 5 hộ vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm. Tình hình an ninh, trật tự trong buôn luôn được đảm bảo. Bà con trong buôn đoàn kết, chăm chỉ lao động, sản xuất, chăn nuôi để nhanh chóng giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới”.

 Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc