Multimedia Đọc Báo in

Góp sức đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng

21:26, 12/07/2014
Điều dễ nhận thấy qua 5 năm triển khai Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh là không chỉ nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc ưu tiên, tăng cường sử dụng hàng trong nước sản xuất được nâng lên mà thói quen mua dùng hàng Việt đã bắt đầu “bám rễ” trong nhiều người tiêu dùng (NTD).
 
Sự chuyển biến và thay đổi này có vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh, đã làm “cầu nối” giữa doanh nghiệp (DN) với NTD bằng việc xây dựng nhiều chương trình tuyên truyền hiệu quả.
 
Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và đề ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để tổ chức thực hiện. Trong đó, công tác tuyên truyền góp phần giúp NTD nhận thức đúng đắn hơn về thị trường nội địa, tránh mua phải hàng giả, kém chất lượng. Có thể nói, việc làm này đã giúp CVĐ có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú như: trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, panô, áp phích quảng cáo về các sản phẩm hàng hóa Việt, hướng dẫn, lồng ghép nội dung của CVĐ trong các buổi sinh hoạt của các đoàn thể, họp dân… được Mặt trận triển khai rộng khắp đến với người dân ở các địa phương trong tỉnh. Hằng năm, Ban Chỉ đạo còn phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh mở chuyên trang, chuyên mục phản ánh, tuyên truyền nội dung CVĐ, cung cấp thông tin về sản phẩm, thương hiệu Việt cho NTD. 5 năm qua đã dựng được 36 cụm pa nô, áp phích, in 985 khẩu hiệu các loại và phát hành hàng chục nghìn tờ rơi để tuyên truyền cho CVĐ. Qua đó góp phần làm thay đổi nhận thức của NTD về các sản phẩm hàng Việt, tỷ lệ NTD tin dùng hàng Việt ngày càng tăng. Còn ở các siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, tỷ lệ hàng Việt bày bán chiếm hơn 90%, riêng trong việc ký kết hợp đồng với nhà cung cấp thì hàng Việt cũng được các DN này ưu tiên.
Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt tại Hội chợ thương mại Buôn Hồ năm 2014.
Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt tại Hội chợ thương mại Buôn Hồ năm 2014.

Song song với đó, MTTQVN tỉnh luôn giữ vai trò nòng cốt trong việc chỉ đạo, phối hợp với các ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động thiết thực như tạo điều kiện, bố trí địa điểm để các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức nhiều chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, tham gia các đợt hội chợ - triển lãm... Từ năm 2009 đến nay đã tổ chức thành công 20 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, thu hút trên 35.000 lượt NTD tham gia với doanh thu gần 4 tỷ đồng; khuyến khích các DN triển khai nhiều đợt giảm giá, khuyến mại để kích thích sức mua, thực hiện tốt hơn dịch vụ chăm sóc khách hàng, từ đó từng bước thay đổi hành vi của NTD khi lựa chọn mua hàng. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, các cơ quan chức năng đã chú trọng hơn công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... lưu thông trên thị trường để bảo vệ quyền lợi cho NTD cũng như các DN Việt làm ăn chân chính, biết đề cao chất lượng và giữ chữ tín dài lâu. Theo ông Hồ Văn Mười, Trưởng Ban Tổ chức - Tuyên giáo Ủy ban MTTQVN tỉnh, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo CVĐ thì 5 năm triển khai CVĐ, điều đáng mừng nhất là đã xây dựng được văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong lòng người dân. Nhiều bà con đều hiểu rằng dùng hàng Việt là thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các DN Việt. Có thể thấy, niềm tin của NTD về hàng hóa nội địa đã được nâng lên thấy rõ. Tuy nhiên, để CVĐ tiếp tục có sức lan tỏa rộng rãi hơn nữa, nhất là với các vùng nông thôn trong tỉnh thì phải chú trọng hơn công tác tuyên truyền, trước hết là cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhằm nâng cao ý thức tiêu dùng hàng Việt. Bên cạnh đó, những đợt đưa hàng Việt về nông thôn không chỉ dừng lại ở việc đưa hàng về trung tâm huyện mà cần đưa về tận thôn, buôn nơi đường sá, phương tiện giao thông đi lại còn khó khăn, người dân chưa có cơ hội tiếp cận với hàng Việt...

5 năm triển khai cuộc vận động, với vai trò, chức năng của mình, có thể nói MTTQVN tỉnh đã làm tốt công tác là “cầu nối”, tạo điều kiện cho các DN Việt tiếp cận và đưa những sản phẩm hàng nội chất lượng đến gần hơn với NTD. Cuộc vận động mang nhiều ý nghĩa, vừa thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vừa khẳng định năng lực cạnh tranh của các DN Việt đang phát huy hiệu quả trên địa bàn tỉnh…

 Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.