Nhộn nhạo hàng quán ăn, nhậu về đêm
Những năm gần đây, các dịch vụ kinh doanh hàng ăn, quán nhậu về đêm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hoạt động khá sôi nổi, đáp ứng nhu cầu ẩm thực của đông đảo người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng nảy sinh nhiều bất cập cần sự chung tay, vào cuộc của các ngành chức năng, nhằm đưa ra những cơ chế quản lý phù hợp.
Nở rộ dịch vụ ăn uống về đêm
Cứ tầm 17 giờ hằng ngày, các hàng quán kinh doanh ăn - nhậu buổi tối ở khu vực nội thành Buôn Ma Thuột lại bắt đầu mở cửa. Dọc các tuyến đường Phan Chu Trinh, Lê Hồng Phong, Phan Bội Châu, Y Jút, Lê Duẩn…, đi đến đâu cũng dễ dàng nhìn thấy hàng loạt biển hiệu mời chào, nào là lòng nướng, chân gà nướng, bún, phở gà, miến lươn, ốc luộc... cùng nhiều đồ uống như rượu, bia, nước giải khát. Đối với các quán nhậu, hàng ăn có địa điểm kinh doanh cụ thể trong nhà thì được đầu tư tươm tất hơn từ các dụng cụ bát đũa, bàn ăn sang trọng, không gian khách ngồi thoải mái, khu vực chế biến món ăn của quán rộng rãi, thực đơn đa dạng, phù hợp với nhiều gu thưởng thức của khách hàng. Ngoài việc phục vụ trực tiếp thực khách đến quán, nhiều nhà hàng, quán ăn hiện nay còn mở thêm những loại hình dịch vụ nhận giao thức ăn tận nơi cho đối tượng khách hàng trên địa bàn mà không tính phí vận chuyển. Theo nhận xét của nhiều chủ quán, chủ nhà hàng thì hình thức kinh doanh này vừa để phục vụ chu đáo, tận tình hơn cho các “thượng đế” lại giúp nhà hàng tăng thêm lượng khách đến ăn.
Còn đối với các quán ăn trên vỉa hè thì người bán hàng chỉ cần dựng phông bạt lên, bày một số bàn ghế nhựa nhỏ và một chiếc xe đẩy đa năng vừa chở bát đũa, thức ăn và khi dừng lại một chỗ thì làm bếp chế biến món ăn, vậy là thành một quán ăn tự phát. Tuy đơn giản, nhưng tại hầu hết các quán ăn tự phát này vẫn thu hút được lượng khách khá đông. Chị Trần Lệ Thu, chủ hàng phở bò, gà trên đường Phan Bội Châu tươi cười cho hay: Gia đình chị bán hàng ăn đêm ở vỉa hè đã 5 năm nay. Trừ những đêm mưa bão lớn còn lại hầu như ngày nào vợ chồng chị cũng đẩy xe hàng đi bán. Việc dựng quán bán trên vỉa hè vừa thuận tiện cho khách lại vừa không phải vất vả đẩy xe hàng đi bán dạo. Dọc tuyến đường Ya Wang, Nguyễn An Ninh. A Dừa… (P. Ea Tam) cũng có trên dưới 30 quán ăn, nhậu về đêm và hầu hết đều tấp nập khách ra vào. Đây là điểm tập trung ăn uống của sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên, Cao đẳng Sư phạm Dak Lak và người dân trong vùng...
Các quán ăn uống vỉa hè thu hút khá đông khách, đặc biệt là thanh niên. |
Những bất cập và hệ lụy
Hầu hết các hàng quán ở vỉa hè thường là tạm thời, không cố định hẳn, do đó khâu an toàn vệ sinh đối với nguồn gốc thực phẩm, chế biến món ăn đến dụng cụ ăn uống như bát đũa và chỗ ngồi… đều không được bảo đảm. Vì lợi nhuận, những người bán hàng thường bỏ qua chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm mà chỉ quan tâm đến việc làm thế nào cho nhanh, bán được thật nhiều hàng. Còn đối với đa số thực khách, lý do để họ dễ dàng “gật đầu” với thức ăn vỉa hè là vì giá rẻ, tiện lợi và khâu phục vụ nhanh chóng… Tại một quán bán ốc trên vỉa hè đường Ngô Quyền, ban ngày là nơi tập kết rác nhưng đến tối lại là chỗ để các thực khách đến ăn ốc. Mặc dù chủ quán đã lau rửa vỉa hè cẩn thận nhưng nơi đây vẫn còn mùi hôi. Hầu hết các quán ăn tự phát trên vỉa hè như thế này đều có một điểm chung là khu chế biến thức ăn chỉ nằm gọn trên chiếc xe đẩy. Bên dưới gầm xe là 1-2 xô nước để rửa rau và bát đũa nên rất mất vệ sinh. Còn đối với các quán nhậu, thậm chí là nhà hàng sang trọng, thì khâu chế biến thức ăn cũng có nhiều chuyện để nói. Theo chị Lê Thị Hằng, nhân viên phục vụ lâu năm tại một quán nhậu trên đường Mai Hắc Đế, hầu hết thịt, cá của quán đều là đồ đông lạnh, có khi nhập về để cả tháng sau mới đem ra chế biến; còn rau quả các loại thì chỉ rửa qua loa một lần rồi đặt lên đĩa đưa ra bàn cho khách ăn…
Bên cạnh chuyện mất vệ sinh an toàn thực phẩm thì các quán ăn, nhậu về đêm cũng là nơi tụ tập của đông đủ các thành phần trong xã hội, nhất là giới thanh niên. Sau khi ăn nhậu, la cà “tăng 1- tăng 2” thì chuyện gây gổ đánh nhau thường xảy ra như cơm bữa. Một lần đi nhậu đêm tại một quán nhậu trên đường Phan Chu Trinh với anh bạn từ xa lên thăm, chúng tôi bỗng giật mình chứng kiến cảnh tượng hai nhóm thanh niên độ tuổi trên dưới 20 cầm dao, cốc hò hét, đuổi đánh nhau khiến cả góc phố hoảng loạn. Nhiều người đang ăn trong quán cũng hốt hoảng chạy vào trong nhà để tránh “tai bay vạ gió”. Theo chị Minh, chủ quán cho biết, những vụ ẩu đả, đánh chém nhau tại các quán nhậu đêm diễn ra thường xuyên không riêng gì ở quán của chị. Chỉ cần mấy chai bia hoặc vài xị rượu cùng với nồi lẩu, đĩa mồi là những con nhậu có thể nhâm nhi hàng tiếng đồng hồ. Khi rượu vào, lời ra dẫn tới chửi nhau, ẩu đả gây thương tích cũng là điều khó tránh. Đó còn chưa kể tới một số thành phần xấu tụ tập ăn nhậu rồi trước khi ra về cũng “cuỗm” luôn vài ba thứ có giá trị như ví tiền, túi xách hoặc mũ bảo hiểm của khách... Cũng theo chị Minh, phần lớn việc đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động kinh doanh hàng ăn, quán nhậu về đêm đều do các hộ kinh doanh tự quản lý, các ngành chức năng chỉ làm việc vào ban ngày và giờ hành chính. Khi xảy ra tình trạng mất trật tự, an ninh thì chỉ có lực cơ động 113 đến giải quyết. Công tác tuần tra kiểm soát ban đêm cũng chỉ có lực lượng công an của thành phố, còn đối với công tác quản lý của phường thì hầu như rất ít…
Trước sự phát triển nhanh chóng của loại hình kinh doanh ăn nhậu ban đêm nói trên đã đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, làm thế nào để bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mỹ quan đô thị cũng như sức khỏe cộng đồng. Trước thực trạng về an toàn vệ sinh thực phẩm và tình hình an ninh trật tự tại các hàng ăn, quán nhậu về đêm, đòi hỏi các ngành chức năng có sự chung tay vào cuộc thắt chặt quản lý cho phù hợp, hiệu quả.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc