Tỏa sáng phẩm chất người lính
Trải qua những gian lao, mất mát trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, những người thương, bệnh binh hiểu rõ hơn ai hết ý nghĩa của hòa bình để từ đó góp sức xây dựng cuộc sống hôm nay càng thêm tươi đẹp.
Tự nguyện hiến đất làm đường
Ông Nguyễn Thanh Bình (thôn 2, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) là thương binh hạng ¾, từng tham gia chiến đấu tại mặt trận các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Năm 1975 sau khi rời quân ngũ, ông trở về quê hương Thanh Hóa nhưng do cuộc sống quá khó khăn nên năm 1988 ông Bình đưa vợ và 3 người con lên Dak Lak lập nghiệp. Đến giờ ông vẫn còn nhớ như in những khó khăn, gian khổ khi mới đặt chân lên mảnh đất xa lạ, ngoài việc ăn, uống thiếu thốn, việc đi lại cũng không phải dễ bởi thời điểm đó khu vực này toàn rừng cây rậm rạp, con đường đi lại của người dân thôn 2 chủ yếu là một lối mòn nhỏ gồ ghề. Mỗi khi trời mưa thì đường lầy lội, trơn trượt nên đã xảy ra không ít tai nạn, tội nhất là các em học sinh đang đi học bị ngã bẩn hết áo quần, hay việc vận chuyển lương thực của người dân cũng rất vất vả, khó khăn mỗi khi đến mùa thu hoạch. Thấu hiểu những khó khăn đó, nên khi có thông tin giải phóng mặt bằng, mở rộng và bê tông hóa đường giao thông ông Bình đã tự nguyện hiến hơn 800 m2 đất gồm một phần sân, đất vườn đang trồng cây ăn quả, cây cảnh và ao cá. Ông Bình chia sẻ: “Những năm tháng tham gia chiến đấu trên chiến trường đầy gian nguy tôi còn không tiếc mạng sống của mình, bây giờ Đảng và Nhà nước đang có chủ trương xây dựng nông thôn mới thì việc hiến mấy trăm mét đất có đáng gì. Bây giờ vợ chồng tôi đã già, con cái cũng đã có gia đình nên giúp được gì cho xã hội gia đình tôi chẳng nề hà, tính toán”.
Ông Nguyễn Thanh Bình hiến phần đất hơn 800 m2 làm đường giao thông nông thôn. |
Ngoài việc hiến đất, ông Bình còn gương mẫu đi đầu trong việc đóng góp kinh phí xây dựng đường giao thông với số tiền 3 triệu đồng. Hành động của người thương binh già hiến nhiều đất để làm đường trong khi cuộc sống gia đình chẳng mấy khá giả đã trở thành nét đẹp, tấm gương sáng để nhiều gia đình khác trong thôn, xã noi theo. Hiện tại con đường mới đã đưa vào sử dụng, phục vụ nhân dân đi lại thuận lợi khiến cả thôn phấn khởi, vui mừng.
Phát triển kinh tế từ cây cà phê
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1962 chàng thanh niên người dân tộc thiểu số Y Đoan Byă (buôn Êbông, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) lên đường nhập ngũ. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, trở về địa phương với tỷ lệ thương tật 68% ông gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hằng ngày, ông cùng vợ đi cày thuê, cuốc mướn rất vất vả để nuôi 6 người con. Không nản chí, ông Y Đoan đã động viên vợ con tích cực lao động sản xuất, khai hoang mở rộng hơn 5 ha đất để sản xuất, trồng cà phê.
Những năm 1995, khi cà phê rớt giá, nhiều gia đình thua lỗ nặng, nợ ngân hàng chồng chất nên đua nhau chặt phá cây cà phê để trồng loại cây khác thì gia đình ông Y Đoan vẫn kiên trì “bám” loại cây này. Sau nhiều năm vất vả, nhờ siêng năng, cần cù và chịu khó học hỏi, ông Y Đoan đã mạnh dạn đầu tư kinh phí trồng cà phê và trồng xen các loại cây khác như tiêu, cây ăn quả trên phần lớn diện tích đất rẫy. Từ đó, cuộc sống gia đình cũng bớt khó khăn, các con được đi học đầy đủ, đến khi lập gia đình cũng được chia ruộng, đất để phát triển kinh tế. Bây giờ với hơn 1 ha đất còn lại trồng cà phê và cây lúa nước, mỗi năm vợ chồng ông thu về hơn 100 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, ông Y Đoan luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, tích cực tham gia ủng hộ xây dựng quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo, xây dựng nông thôn mới… Bên cạnh đó, ông còn phát triển kinh tế bằng chăn nuôi heo, gà để tăng thêm thu nhập. Mỗi khi có người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, ông đều sẵn sàng hướng dẫn, tận tình truyền đạt kinh nghiệm để mọi người phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Trong căn nhà mới khang trang, rộng rãi vừa mới được xây dựng vào cuối năm 2013, ông Y Đoan phấn khởi nói: “Sau nhiều năm vất vả làm nương rẫy những tưởng cuộc sống sẽ chẳng khấm khá lên được, nhưng từ khi tham quan, học hỏi cách làm của các hộ khác trên địa bàn xã và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc canh tác nên năng suất cây cà phê ngày càng cải thiện. Bây giờ kinh tế đã khá giả, các con cũng đã có gia đình và cuộc sống ổn định nên tôi rất mừng”.
Được biết, xã Ea Kao hiện có trên 200 người là thương bệnh binh, người có công với cách mạng, hầu hết họ đều chăm lo phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, xóa đói giảm nghèo, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa ở địa phương.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc